Tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú rất trăn trở về cầu của nền kinh tế yếu. “NHNN vừa tổ chức Hội nghị toàn ngành với 35 các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn, chiếm tỷ trọng chính cho vay của nền kinh tế. Hội nghị đã chỉ rõ ngân hàng nào lãi suất còn cao? ngân hàng nào lãi suất đã thấp, để những ngân hàng còn cao tìm biện pháp để giảm lãi suất hỗ trợ”, ông Đào Minh Tú chia sẻ.
Tính đến nay, 4 NHTM với vai trò chủ lực như: Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV đều thực hiện nghiêm túc việc hạ lãi vay. Ví dụ: Vietcombank có mức lãi cho vay trung bình hiện nay của các khoản cho vay ngắn, trung, dài hạn và những khoản cho vay cũ trước đây cũng như các khoản cho vay mới là 5,94%. So với cuối năm 2022, mức lãi này đã giảm 1,75%, còn so với cùng kỳ năm ngoái, mức lãi giảm 0,29%. Phía BIDV cũng có mức cho vay trung bình là 6,46%, nếu so với cuối năm ngoái, mức lãi này đã giảm 2,59% và so cùng kỳ năm ngoái, giảm 0,15%.
“Tất nhiên vẫn còn những ngân hàng có mức cho vay bình quân còn cao, khoảng 9%, thậm chí trên 9%. tất cả những ngân hàng này đều được nêu tên và NHNN đã chỉ đạo phải tìm mọi biện pháp tiết kiệm chi phí, cơ cấu lại nhằm giảm lãi suất”, Phó Thống đốc cho biết.
Lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD), tiếp tục giảm lãi suất khoản vay mới và xem xét cả những khoản cũ; giảm lãi suất với ngoại tệ và nội tệ; tiếp tục cắt giảm phí, các thủ tục không cần thiết, nghiêm cấm việc bán bảo hiểm kèm tín dụng mới giải ngân; linh hoạt hơn các hạn mức tín dụng, gắn với mùa vụ; tăng cường liên kết, cho vay chuỗi giá trị…
"Các doanh nghiệp cũng cần tìm ra hướng đi mới trong lúc này, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại thị trường; tăng cường nguồn lực; minh bạch tài chính, minh bạch dòng tiền; chủ động trong việc trao đổi những khó khăn với ngân hàng để đề xuất giải pháp, cộng sinh cùng tháo gỡ khó khăn…", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Chiều 7/11, đại diện Agribank cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH2015 của Quốc hội, nay tới hết ngày 31/12/2023, Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay để đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19.
Theo đó, Agribank điều chỉnh lãi suất cho vay đang áp dụng theo từng lĩnh vực, đối tượng khách hàng, loại cho vay,…giảm tối đa đến mức sàn lãi suất cho vay hiện hành và không áp dụng lãi suất phạt quá hạn, lãi chậm trả, phí (nếu có) đối với khách hàng trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày 01/11/2023.
“Trong 2 tháng cuối năm 2023, Agribank điều chỉnh lãi suất áp dụng đối với dư nợ hiện hữu của các khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2, nợ xấu nội bảng về tối đa đến mức sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank, trong đó sẽ có khách hàng có thể được lãi suất giảm từ 3% đến 4%. Ước tính, trong đợt giảm lãi suất lần này, Agribank sẽ dành tối đa khoảng hơn 4.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng”, đại diện Agribank cho biết.
Đây là lần thứ 7 liên tiếp từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng khách hàng, giúp giảm thiểu chi phí để tập trung tái cơ cấu, khôi phục hoạt động kinh doanh.
Trước đó, Nam A Bank cũng giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân hiện hữu lên đến 2,6%/năm nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm. "Cuối năm là thời điểm quan trọng cho các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng. Chúng tôi cam kết tiếp tục giảm lãi suất và triển khai các ưu đãi để đồng hành cùng khách hàng và doanh nghiệp, giúp họ nâng cao sản xuất, kinh doanh và chất lượng cuộc sống", đại diện Nam A Bank cho biết.
Còn tại Vietcombank, lãi suất ưu đãi áp dụng cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác linh hoạt từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu...
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho ngành Ngân hàng; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: NHNN sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Những hành động này nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước.
“Về phía các TCTD, các đơn vị cần tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Các TCTD cần tập trung phân bổ nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Các TCTD được yêu cầu tiếp tục rà soát, rút gọn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, ứng dụng chuyển đổi số vào quy trình cho vay, tăng tốc độ xử lý hồ sơ khách hàng”, Thống đốc NHNN cho biết.