Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VINH HOAN CORP - Đồng Tháp) và Công ty cổ phần Nam Việt (NAVICO - An Giang) đã được hưởng mức thuế suất là 0%.
Theo VASEP, đây là tin vui đối với hai doanh nghiệp trên và cũng là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ nửa cuối năm 2021. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khác (trừ các trường hợp doanh nghiệp có mức thuế suất riêng biệt) xuất khẩu cá tra sang Mỹ chịu mức thuế chống bán phá giá bằng mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.
Ngoài ra, theo kết quả kế thừa từ kỳ xem xét POR15, Công ty cổ phần Thủy sản NTSF (Cần Thơ) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ hưởng mức thuế suất là 0,15 USD/kg. Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (Cần Thơ) vẫn hưởng mức thuế 0,19%.
Với kết quả thuế chống bán phá giá của kỳ xem xét này, doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã bỏ bớt được áp lực tại các thị trường lớn; đồng thời, giảm tải cho các thị trường xuất khẩu khác vẫn đang bị ảnh hưởng của khủng hoảng COVID-19. Đây cũng là điều kiện tốt thúc đẩy khối lượng hàng cá tra sang Mỹ trong thời gian tới.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ; trong đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông và Công ty cổ phần Nam Việt là 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp này đạt lần lượt 104 triệu USD; 46,8 triệu USD và 41,5 triệu USD.
Việt Nam đang là nhà cung cấp cá tra đông lạnh hàng đầu cho thị trường Mỹ, chiếm 90 - 95% tổng giá trị nhập khẩu cá tra của nước này. Ngoài Việt Nam, Mỹ cũng nhập khẩu sản phẩm cá tra tươi, ướp và đông lạnh từ Trung Quốc và một số thị trường chuyển tiếp khác.
Tính đến hết tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 134,2 triệu USD, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ hai của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.