Mỹ rút QE: Chuyện đâu có tệ - Kỳ cuối

Kỳ cuối: Hãy đón nhận bằng sự lạc quan

Trong bối cảnh có nhiều biến số, việc rút toàn diện QE nhiều khả năng cần phải có khoảng thời gian tương đối dài. Nhưng dù thế nào thì phản ứng của thị trường tài chính sẽ đi trước quyết định rút QE của FED.


Khi niềm tin của thị trường bị tổn thương, thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất của Mỹ, thậm chí là toàn cầu sẽ điều chỉnh trước. Nếu bước điều chỉnh quá lớn, tốc độ rút QE sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, vấn đề của FED là phải giữ ấm cho thị trường từ nay tới khi đưa ra quyết định rút QE nhằm tránh cho thị trường điều chỉnh quá sớm, làm kéo dài quá trình điều chỉnh, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.


Trên thực tế, ngay từ khi tín hiệu rút QE được bắn ra, thị trường chứng khoán Mỹ đã có những phiên điều chỉnh sâu và dường như có phần phản ứng thái quá vào hôm 3/6 khi tăng điểm vì kỳ vọng FED tiếp tục thực hiện QE mà bất chấp số liệu kinh tế xấu. Nhưng cũng khó có thể trách cứ vì QE là thực nghiệm mà theo tờ Tin tức Thế giới, tới nay mới chỉ có Nhật Bản tiến hành vào 10 năm trước và cũng chưa cho tiền lệ rút về, cho nên, không ai biết kết cục của nó sẽ như thế nào. Dẫu vậy, cây bút chuyên mục Matthew Lynn của MarketWatch cho rằng việc QE đi tới hồi kết sẽ mang đến bốn kết quả vượt qua dự liệu của phần lớn nhà đầu tư.


Thứ nhất, giá vàng sẽ tăng lên. Đối với đa số, vàng là nơi trú ẩn an toàn trước sự tấn công của lạm phát. Các nhà lãnh đạo Ngân hàng Trung ương chỉ rút QE khi họ được thuyết phục về sự biến mất của nguy cơ giảm phát và đã tạo ra lạm phát vừa phải, bền vững như một phần của sự tăng trưởng kinh tế. Do đó, khi QE kết thúc, lo lắng về lạm phát tăng cao sẽ khiến người dân chuyển sang nắm giữ vàng. Hơn nữa, nếu kinh tế hồi phục vững chắc, giá nguyên liệu sẽ gia tăng và vàng không là ngoại lệ.

Thứ hai, giá trị của ngân hàng tăng lên. Đại đa số nhà phân tích cho rằng QE là biện pháp rót tiền nhằm tránh sự sụp đổ của hệ thống tài chính, nếu rút QE, ngân hàng sẽ mất thanh khoản và bị tan vỡ, giống như đã từng xảy ra năm 2008. Nhưng trên thực tế, tới khi QE rút đi, sức khỏe ngân hàng đã hồi phục tốt vì trước đó được cấp vốn giá rẻ để sửa chữa bảng cân đối kế toán. Quan trọng hơn là thị trường nhà đất đã hồi phục trở lại. Một khi hồi phục ổn định, thị trường nhà đất sẽ nhanh chóng thúc đẩy ngành công nghiệp cho vay phát triển lành mạnh. Do đó, cổ phiếu ngân hàng sẽ trở thành đích đến đầu tư không tồi và đương nhiên sẽ làm giá trị của ngân hàng tăng theo.

Thứ ba, lãi suất trái phiếu ổn định. Theo cách phân tích thông thường, các ngân hàng trung ương in tiền là nhằm giữ lãi suất trái phiếu duy trì ở mức thấp nhất trong vòng nửa thế kỷ hoặc lâu hơn thế. Giảm bớt in tiền sẽ khiến cho lãi suất trái phiếu tăng mạnh và cuối cùng khi không có biện pháp kích thích nhân tạo này sẽ không có người mua trái phiếu. Tình hình sẽ tệ hại hơn khi xuất hiện một cơn lũ trái phiếu trên thị trường trong trường hợp các ngân hàng trung ương giải phóng hàng trăm tỉ USD trong bảng cân đối kế toán đã tích lũy trong 3 năm qua. Vấn đề là điều đó sẽ không xảy ra. Bởi các ngân hàng trung ương biết rõ về hậu quả của việc để lãi suất trái phiếu tăng cao, cho nên, họ chỉ kết thúc QE khi chắc chắn rằng nợ công trái và nợ công ty đã được kiểm soát. Các ngân hàng trung ương tuyệt đối không tăng lãi suất khi vừa kết thúc QE. Lãi suất trái phiếu cũng sẽ không giảm thêm vì hiện nay đã ở mức thấp gần như bằng 0, nhưng sẽ được giữ ổn định trong thời gian dài sau khi QE kết thúc.

Thứ tư, thị trường chứng khoán sẽ tăng lên. Các nhà đầu tư không nên lo ngại là khi rút QE, thị trường chứng khoán sẽ đổ vỡ. QE chỉ được rút đi khi kinh tế tăng trưởng, khi đó, việc làm tăng, thị trường nhà đất cũng hồi phục. Đồng thời, do lãi suất trái phiếu duy trì ở mức thấp, lợi tức cổ phiếu tương đối cao sẽ tạo nên sức hút đối với các nhà đầu tư, làm thị trường chứng khoán sẽ đi lên.

Nói tóm lại, phản ứng của thị trường thời gian qua cho thấy mức độ lệ thuộc vào QE. Nhưng QE không phải là liều thuốc bổ dùng mãi. Sau khi nền kinh tế đạt được chuyển biến tốt và bền vững, biện pháp nhân tạo này cần phải rút đi. Tuy nhiên, rút QE không phải là việc nói xong làm ngay, mà cần có thời gian và giai đoạn để tránh gây sốc cho nền kinh tế cũng như đối với các nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, do QE được gắn với sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế, cho nên, việc rút QE không phải là tín hiệu xấu và cần được nhìn nhận với sự lạc quan.


Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)

 Mỹ rút QE: Chuyện đâu có tệ - Kỳ 2
Mỹ rút QE: Chuyện đâu có tệ - Kỳ 2

Khi thiết kế chính sách nới lỏng định lượng lần thứ 3, FED đưa ra hai điều kiện cho việc rút QE. Một là tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới mức 6,5%. Hai là tỉ lệ lạm phát tăng lên trên 2,5%. Hiện nay, Mỹ vẫn còn cách xa so với điều kiện rút QE toàn diện của FED.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN