Trong thông báo chính thức đăng trên công báo liên bang ngày 28/8, USTR cho biết kể từ ngày 1/9, Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ sẽ bắt đầu thu thuế ở mức 15% đối với một số hàng hóa trong danh sách các mặt hàng sẽ bị áp thuế trị giá 125 tỷ USD của Trung Quốc, gồm điện thoại thông minh, tai nghe Bluetooth, TV màn hình phẳng và giày dép. Mức thuế 15% sẽ được áp với những mặt hàng còn lại trong danh sách như điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và đồ may mặc kể từ ngày 15/12.
Tuy nhiên, công báo liên bang không đề cập tới tuyên bố của Tổng thống Trump về ý định tăng thuế lên mức 30% đối với các mặt hàng khác nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD vào ngày 1/10. Hiện những hàng hóa này đang phải chịu mức thuế 25%. Người phát ngôn của USTR cho biết việc tăng thuế và quá trình thăm dò ý kiến người dân về vấn đề này sẽ được nêu chi tiết trong thông báo khác. Theo USTR, việc Trung Quốc tăng thuế và đe dọa trả đũa gây ra mối nguy hại ngày càng lớn đối với nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, cùng ngày, các nhóm công nghiệp Mỹ nhận định việc Tổng thống Trump áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ làm mất việc làm, ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng và gia tăng nguy cơ kinh tế suy thoái.
Hơn 200 nhà sản xuất và bán lẻ giày dép, trong đó có những thương hiệu lớn như Nike và Foot Locker, đã ký vào lá thư, với lời cảnh báo rằng các biện pháp thuế quan mới sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ tốn thêm 4 tỷ USD/năm, kéo theo nguy cơ suy thoái kinh tế. Nhóm này cho rằng việc áp thuế sẽ khiến người dân và các gia đình Mỹ phải tăng chi tiêu, thay vì buộc Trung Quốc trực tiếp chịu thuế như Tổng thống Trump tuyên bố.
Trong khi đó, 160 nhóm thương mại khác, trong đó có các nhà sản xuất và bán lẻ phần mềm, sản xuất rượu, cũng cảnh báo Tổng thống Trump về hệ lụy giá cả leo thang và lòng tin người tiêu dùng bị suy giảm, đồng thời hối thúc ông từ bỏ chiến lược áp thuế. Hội đồng Công nghiệp công nghệ thông tin Mỹ đã nhất trí rằng Trung Quốc cần thay đổi các thành vi thương mại không công bằng, song nhận định công cụ thuế quan hiện nay không hiệu quả, và sẽ chỉ mang lại những kết quả tiêu cực.
Trong suốt hai năm qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách thuyết phục Trung Quốc từ bỏ các hành vi thương mại bị Washington cáo buộc là không công bằng, cũng như thay đổi những chính sách về bảo vệ sở hữu trí tuệ, việc ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp công nghiệp và tiếp cận thị trường. Tranh chấp thương mại vào tháng 7/2018 đã bùng nổ với việc hai nước liên tiếp áp thuế đối với số hàng hóa trị giá trăm tỷ USD của nhau, khiến tăng trưởng toàn cầu đứng trước nhiều nguy cơ.