Mỹ trừng phạt các nước nhập khẩu dầu của Iran

Ngày 28/6, Mỹ đã bắt đầu thực thi các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các định chế tài chính tại những nước nhập khẩu dầu thô của Iran trong nỗ lực gây sức ép buộc Tehran (Têhêran) từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi.

 

Theo lệnh trừng phạt mới, chiểu theo Đạo luật Ủy nhiệm Quốc phòng trong tài khóa 2012, các định chế tài chính nước ngoài bị phát hiện có giao dịch với ngân hàng trung ương Iran sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ. Với các biện pháp này, Mỹ chủ trương bóp nghẹt nguồn lực tài chính của Iran bằng cách hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu của nước này, buộc Tehran phải từ bỏ tham vọng hạt nhân.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Trước đó, ngày 25/6, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã chính thức thông qua quyết định áp dụng đầy đủ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran từ ngày 1/7 tới, theo đúng thời hạn mà các nước thành viên đã nhất trí từ cuối tháng Giêng năm nay. Lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran của EU bao gồm cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và vàng của nước CH Hồi giáo này. Tuy nhiên, đối với những hợp đồng cung cấp dầu mỏ được ký trước ngày 23/1, các biện pháp này sẽ được hoãn thực thi trong nửa năm, nhằm để các nước EU có thể tìm nguồn cung mới thay thế lượng dầu nhập khẩu từ Iran.

 

Từ cuối tháng Tư vừa qua, các nước EU đã thay thế được khoảng 70% nguồn cung dầu mỏ từ Iran và sẽ không gặp phải trở ngại gì trong việc áp đặt đầy đủ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran từ đầu tháng tới. Các chuyên gia cũng cho rằng nền kinh tế châu Âu cũng như thị trường dầu mỏ thế giới sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau ngày 1/7.

 

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã ngay lập tức thông báo nước này sẽ ngừng nhập khẩu dầu thô của Iran từ ngày 1/7 tới theo lệnh cấm trên. Như vậy, Hàn Quốc là khách hàng lớn đầu tiên của Iran tại châu Á ngừng mua dầu của quốc gia Hồi giáo này. Hiện khoảng 9% lượng nhập khẩu dầu thô của Hàn Quốc là dầu mỏ được sản xuất tại Iran. Thay vào đó, quốc gia này sẽ nhập khẩu nguồn dầu của Irắc, Côoét, Cata và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất.

 

*Liên quan tới tình hình tại Eo biển Hormuz, ngày 28/6, Đô đốc Hải quân Mỹ Jonathan Greenert thừa nhận trong hai tháng qua, tình hình tại đây tương đối yên tĩnh và không có bất kỳ hành động đối đầu nghiêm trọng nào giữa các tàu chiến của Mỹ và Iran.

 

Phát biểu trước báo giới tại Washington (Oasinhtơn), vị đô đốc trên cho biết tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ vừa đi qua vùng biển này mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào.

 

Căng thẳng tại Eo biển Hormuz đã leo thang nghiêm trọng hồi đầu năm nay sau khi giới chức Iran đe dọa phong tỏa các hoạt động vận tải qua đây nếu Mỹ và EU áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này, gây tổn hại hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khó có khả năng Iran đóng cửa eo biển chiến lược này và phần lớn những lời đe dọa các bên đưa ra là cường điệu.

 

TTXVN/Tin tức

EU cấm vận dầu mỏ toàn diện với Iran
EU cấm vận dầu mỏ toàn diện với Iran

Liên minh châu Âu (EU) một mặt sẽ tăng cường gây áp lực, mặc khác tiếp tục đối thoại với Iran để nước này thấy rõ mối lo ngại của cộng đồng quốc tế trong vấn đề hạt nhân của Têhêran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN