Mở đầu năm 2015, GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã dành cho phóng viên cuộc trò chuyện về những triển vọng, thách thức cho kinh tế Việt Nam cũng như việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 và những năm tiếp theo.Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ. Ảnh: TTXVN. |
* Xin ông đánh giá khái quát về triển vọng cũng như những vấn đề đặt ra trong năm 2015 cho kinh tế Việt Nam?Tình hình kinh tế Việt Nam từ 2014 sang năm 2015 sáng lên rất nhiều so với cách đây 1 năm. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,98%. Thị trường tài chính tiền tệ có ổn định hơn. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể.
Còn nhìn vào năm 2015 có thể thấy chưa khi nào Việt Nam lại gặt hái được những kết quả đàm phán các hiệp định thương mại tự do như thế này. Chúng ta đang đồng thời tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao với sự tham gia của các cường quốc, các khối kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Úc...
Đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga – Kazakhstan – Belarus cũng đã hoàn tất quá trình đàm phán FTA.
Năm 2015, Việt Nam cũng sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tất cả các sự kiện về hội nhập quốc tế như vậy tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Năm 2015 là năm sẽ có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và một loạt các luật khác như Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở…
Những luật này liên quan tới thể chế kinh tế thị trường có cách tiếp cận theo hướng tích cực, hiện đại theo Hiến pháp 2013 và Kết luận 103 ngày 29/09/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, thành lập, giải thể doanh nghiệp, thủ tục đầu tư…
Chính phủ đạt mục tiêu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước Asean – 6… Tất cả điều đó sẽ tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế.
Những khó khăn thách thức đối với kinh tế của 2014 sẽ tiếp tục diễn ra trong 2015, đó là một số cân đối vĩ mô còn khó khăn, thiếu vững chắc. Tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm. Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn thách thức nữa là nợ công của chúng ta cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn, chúng ta còn phải vay nợ để đảo nợ khá nhiều. Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm và chưa thực sự hiệu quả; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, không được như mong muốn.
Thách thức còn lại là khả năng, năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước như thế nào để có tiếp tục phát huy kết quả năm 2014 và tạo nên chuyển biến rõ rệt hơn trong năm 2015.
*Ông có thể nói rõ hơn khâu thực thi thể chế cần như thế nào để môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự thay đổi căn bản trong năm 2015 này?Như tôi đã nói, với việc một loạt luật có hiệu lực trong năm 2015, thể chế kinh tế đã có bước cải thiện đáng kể, cộng thêm quyết tâm cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, tôi có niềm tin môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2015 sẽ được thăng hạng.
Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất nhiều vào khâu thực thi. Cơ chế thực thi của chúng ta còn kém. Như vừa rồi tại Diễn đàn các đối tác phát triển năm 2014, các đối tác phát triển cũng nhấn mạnh một điểm mà Việt Nam còn yếu đó chính là việc thực thi chính sách. Chính sách thì đúng, luật pháp thì đúng nhưng thực thi không đồng bộ, thiếu quyết liệt theo những đề án, kế hoạch cụ thể. Đây là điểm cần được khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Thời gian vừa rồi có thể thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung hết sức quyết liệt cho việc cải cách thủ tục hành chính. Quan trọng nhất bây giờ là khâu thực thi thôi. Điều này cũng phụ thuộc nhiều vào từng ngành cụ thể, tư lệnh ngành rồi cán bộ, công chức của ngành đó trực tiếp làm.
Và tôi nghĩ điểm có thể tạo ra được cái mới ngay là tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phải tạo ra được động lực và áp lực trách nhiệm cho từng người, từng cơ quan cụ thể để có thể nắm bắt được những cơ hội lớn cho năm 2015.
* Vừa rồi ông có nhắc đến việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng diễn ra chậm chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Ban Kinh tế Trung ương có những nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng về tiến trình này, ông có thể chỉ ra những vướng mắc cơ bản được không?Có thể thấy, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực trọng tâm đạt được một số kết quả bước đầu, mô hình tăng trưởng có chuyển biến bước đầu từ chiều rộng sang theo hướng chiều sâu, chú ý hơn đến chất lượng tăng trưởng.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, việc xây dựng và triển khai đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh còn chậm, kết quả còn hạn chế cả về cơ cấu lại “tổng thể” và các “trọng tâm”, chưa đủ sức tạo ra chuyển biến rõ nét trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Đặc biệt, chưa có sự nhận thức sâu sắc và thống nhất cao về mô hình tăng trưởng mới, nhất là về các động lực cho tăng trưởng. Chúng ta chưa làm rõ được nội hàm của mô hình phát triển, mô hình tăng trưởng.
Mô hình tăng trưởng chưa có sự đổi mới rõ rệt theo chủ trương của Đảng; nền kinh tế vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ và lao động có kỹ năng.
* Vậy trong năm 2015 và những năm tới, việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế cần phải thực hiện như thế nào và phải dựa trên những yếu tố nào để hướng tới việc phát triển kinh tế nhanh và bền vững thưa ông?
Điểm quan trọng nhất là chúng ta phải làm rõ được mô hình tăng trưởng và tới đây làm như thế nào? Định dạng mô hình tăng trưởng phải dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, hướng tới phát triển nhanh và bền vững. Phương thức để thực hiện mô hình này là kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu trong đó tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo.
Ngay một lúc mình không thể chuyển mọi thứ từ chiều rộng như hiện nay sang chiều sâu được, mà cần cả một quá trình.Thời gian tới đây, chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển một số ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày chẳng hạn, chỉ có khác là đưa đưa thêm công nghệ, quản trị vào để gia tăng chuỗi giá trị thôi.
Mô hình tới đây chúng ta phải hết sức đặt trọng tâm vào chất lượng tăng trưởng, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Chúng ta phải giảm dần việc sử dụng lao động vốn rẻ, khai thác tài nguyên và tăng trưởng chủ yếu thâm dụng vốn để chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào khoa học và công nghệ, đầu tư cho khoa học, đầu tư cho công nghệ, phát triển kinh tế trí thức.
Và chúng ta cũng phải chuyển mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào khả năng gia công, hiệu quả thấp và bị động phụ thuộc sang tăng trưởng dựa trên chủ động khai thác các lợi thế cạnh tranh của đất nước để gia tăng giá trị nội địa, giá trị quốc gia.
Trước đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu thì tới đây còn phải hết sức coi trọng nhu cầu tiêu dùng trong nước, phát triển thị trường trong nước. Trung Quốc bây giờ cũng đi theo hướng này.
Việt Nam có 90 triệu dân, vừa rồi tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cho thấy người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng của hàng hóa trong nước. Hy vọng tới đây tiếp tục phát huy được xu thế này để tạo ra thị trường rộng lớn cho hàng hóa trong nước.
Còn động lực tăng trưởng kinh tế phải dựa trên năng suất lao động, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy nghiên cứu và triển khai (R&D) để nâng cao nghiên cứu phát triển, chất lượng và hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, tăng nhanh giá trị quốc gia và tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chúng ta cũng cần có chính sách đủ mạnh để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là chính sách về tín dụng như nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đang làm để giúp nền kinh tế sôi động và năng động hơn.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, nguồn lực tăng trưởng bao gồm cả bên trong và cả bên ngoài, gắn hội nhập quốc tế với nâng cao trình độ trong nước. Còn mục tiêu tăng trưởng phải nhìn dài hạn, tăng trưởng, bền vững và vì con người.
Gần đây thế giới hay nói đến từ “tăng trưởng bao trùm”, ở đây chính là tăng trưởng cho tất cả mọi người, làm sao để tăng trưởng kinh tế phải nâng cao được thu nhập cho nhân dân, nâng cao được đời sống vật chất tinh thần của người dân để ai cũng được hưởng thành quả của đổi mới và kết quả tăng trưởng.
* Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Huyền (TTXVN)