Tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hoá là 34.017 tỷ đồng; trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng.
Năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỷ đồng; thu về 6.840 tỷ đồng. Trong đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm các Tập đoàn, Tổng Công ty thu về 450 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác thu về 2.273 tỷ đồng; còn lại là phần SCIC đã bán vốn tại 67 doanh nghiệp.
Năm 2016 đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá. Ảnh: TTXVN |
Đánh giá của ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài Chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, về cơ bản, thời gian qua các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu đúng theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện theo hướng hoàn thiện về cơ chế chính sách nên kết quả này là khá tích cực. Hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và để “cầm cự” được là không hề đơn giản. Khi doanh nghiệp Nhà nước rút lui thì đương nhiên doanh nghiệp tư nhân sẽ phải được đẩy mạnh lên.
Ông Tiến cũng cho biết, giai đoạn trước, khuyến khích doanh nghiệp sau cổ phần hoá niêm yết. Nhưng nay từ chỗ khuyến khích đã có những quy định, chế tài xử lý bắt buộc.
Cụ thể, mới đây nhất, Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nghị định quy định rõ, mức xử phạt đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết hoặc đăng ký giao dịch niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn xử phạt. Mức xử phạt từ 10 triệu - 400 triệu đồng tuỳ khung thời gian vượt quá quy định.