Kỷ lục mới về doanh thu trực tuyến này đã cho thấy một bước chuyển lớn trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng tại Mỹ, mà nguyên nhân là do đại dịch COVID-19.
Theo Adobe Analytics, trong ngày lễ ngay trước ngày Black Friday - một trong những ngày mua sắm tưng bừng nhất trong năm tại Mỹ - doanh thu bán hàng trong ngày Lễ Tạ ơn tại Mỹ đã tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài đặt online, vẫn có một số bộ phận người dân vẫn tới mua hàng trực tiếp tại cửa hàng và các trung tâm thương mại, nhưng thời gian mua sắm rất nhanh gọn. Theo bà Christina, 74 tuổi, bà chỉ mất 5 phút để mua một cái lò nướng bánh mì tại cửa hàng của Macy's ở thành phố New York.
Thống kê của Adobe Analytics - công ty đo lường doanh số bán hàng tại 80 trong số 100 nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu của Mỹ - cho thấy các đơn hàng mua điện thoại thông minh chiếm tới 50% doanh thu bán hàng trực tuyến. Hãng này ước tính doanh thu trực tuyến trong ngày Black Friday và ngày Cyber Monday sẽ đạt lần lượt 10,3 tỷ USD và 12,7 tỷ USD.
Ngày Black Friday và trước đó một ngày là Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) được coi là thời điểm mở màn cho mùa mua sắm và nghỉ lễ lớn nhất trong năm tại Mỹ. Mùa mua sắm trong hai tháng cuối năm rất quan trọng, có thể chiếm đến 40% doanh số bán hàng cả năm của các hãng bán lẻ trên toàn nước Mỹ. Năm nay, do đại dịch COVID-19, người tiêu dùng đã đưa ra những lựa chọn mới, tạo nên những nét khác biệt trong mùa mua sắm này.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ, năm nay, các mặt hàng vẫn giảm giá cực sốc, đặc biệt là thời trang, điện tử điện lạnh, đồ gia dụng, nội thất… Mặc dù vậy, bãi đậu xe trống trơn, nhân viên bán hàng và phục vụ nhiều hơn khách hàng tại các cửa hàng, không còn cảnh mọi người sẵn sàng chờ từ đêm hôm trước, xếp hàng dài, chen lấn mua hàng giảm giá như những năm trước, là những khung cảnh được ghi nhận tại các điểm mua sắm ở Mỹ trong ngày Black Friday năm nay.
Trên thực tế, không chờ đến ngày 27/11, nhiều khách hàng cho biết muốn tận dụng các ưu đãi nhiều nhà bán lẻ sẵn có và dù giá có thể giảm sâu hơn vào ngày Black Friday, họ vẫn sẵn sàng bỏ thêm tiền mua những món đồ ưng ý. Không còn ai muốn xếp hàng, chen lấn vào đám đông để mua đồ khi dịch COVID-19 vẫn trực tiếp đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân mỗi ngày. Đại dịch đã thực sự khiến người tiêu dùng cảm thấy lo lắng khi đi đến các cửa hàng.
Năm nay, hầu hết các cửa hàng bán lẻ đều đóng cửa vào ngày Lễ Tạ ơn và mở cửa vào sáng Black Friday, do họ đã thúc đẩy hình thức bán hàng trực tuyến để tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể mua sắm an toàn ngay tại nhà. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khuyến nghị người tiêu dùng nên mua hàng trực tuyến, ưu tiên các điểm mua sắm ngoài trời thay vì những trung tâm thương mại có không gian kín vào dịp này.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Coresight Research, bà Deborah Weinswig nhấn mạnh: “Đây thực sự là điều đang diễn ra. Không có những hàng người dài đứng xung quan các tòa nhà trung tâm thương mại. Người tiêu dùng đã thích nghi rất nhanh”.
Ngày hội mua sắm Black Friday năm nay có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây là một biểu hiện rõ nét của tác động từ dịch bệnh COVID-19, khi số người tiêu dùng tỏ ra thờ ơ trong việc đến các trung tâm thương mại để mua hàng giảm giá, và sự kiện năm nay gắn liền với những chiếc khẩu trang, nước rửa tay và miếng chắn giọt bắn tại các cửa hàng bán lẻ.
Tuy nhiên, một dấu hiệu tích cực mang lại tia sáng hy vọng cho các cửa hàng bán lẻ vốn đang gặp khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đó là thay vì háo hức chờ đợi xếp hàng dài để tranh nhau cơ hội sớm được vào các cửa hàng tha hồ chọn lựa mặt hàng yêu thích với giá cả giảm sâu, nhiều người tiêu dùng năm nay chọn hình thức mua sắm trực tuyến vì sự bùng nổ của xu hướng này trong những năm gần đây và vì ngại lây nhiễm COVID-19 khi tập trung đông.
Theo thống kê, hiện nước Mỹ đã có hơn 270.000 người tử vong vì COVID-19 trong tổng số hơn 13,4 triệu ca nhiễm.