Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay lãi suất thấp
Đánh giá về tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2020, giải pháp cho 3 tháng cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Đến nay, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6,1%, trong đó, chỉ tính riêng trong tháng 9/2020, tín dụng tăng từ 4,3% lên 6,1%. Đây là con số đáng kể trong điều kiện dịch COVID-19 tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế và các doanh nghiệp. Kết quả tăng trưởng tín dụng cho thấy những dấu hiệu rất tích cực trong vấn đề tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, hộ nông dân, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp -nông thôn. Lĩnh vực dịch vụ - lĩnh vực đang chiếm 63% trong tổng dư nợ hiện nay, mức tăng trưởng là 7%.
Theo ông Đào Minh Tú, mặc dù trong điều kiện còn khó khăn do tác động của dịch COVID-19, các doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, linh hoạt, sẵn sàng tiếp cận những khoản vay mới trên cơ sở những khoản nợ cũ đã được giãn, hoãn cũng như được cơ cấu lại. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2020 có thể đạt từ 8 đến trên 9%.
Để đạt được điều này, theo ông Đào Minh Tú, có nhiều giải pháp, trong đó tập trung cơ cấu lại những khoản nợ đến hạn, giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 (vào ngày 1/10/2020). Tổng cả ba lần giảm lãi suất điều hành vào khoảng 1,2-2%, tạo ra nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, từ đó các doanh nghiệp, người có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp.
Cùng với đó, các ngân hàng thương mại đã giảm chi phí, có điều kiện để hỗ trợ khách hàng vay với lãi suất thấp hơn. Trên thực tế, việc hỗ trợ thông qua hạ lãi suất các khoản vay cũ, khoản vay mới đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay một cách tích cực hơn. Do đó, việc hạ lãi suất là một lý do cơ bản quan trọng để tạo điều kiện tín dụng mở rộng.
Đảm bảo an toàn cho định danh của người sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán
Liên quan đến vấn đề định danh của người sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán, đặc biệt là việc làm thế nào để đảm bảo cho những tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các dịch vụ đảm bảo an toàn, ông Đào Minh Tú cho biết, một số tổ chức, trang web có tính chất lừa đảo hoặc lợi dụng sơ hở của một số ngân hàng thương mại để có thông tin khách hàng. Những trường hợp như vậy, khi được phát hiện, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm xử lý, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh hành vi vi phạm.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, để xác định cũng như tạo điều kiện cho vấn đề định danh của khách hàng trong sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc sử dụng dịch vụ thẻ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang nghiên cứu xây dựng một thông tư thay thế cho Thông tư 23 ban hành từ năm 2014. Dự kiến, trong tháng 10/2020, Thông tư này sẽ được ban hành.
Để xây dựng Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước sẽ kết hợp với cơ quan Công an sử dụng thông tin được lưu trữ trong dữ liệu về công dân. Nội dung quan trọng nhất là trao quyền cũng như trách nhiệm của tổ chức tín dụng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; đồng thời có giải pháp công nghệ để đảm bảo an toàn cho định danh của người tham gia sử dụng các dịch vụ này.
Hiện nay, cả nước có 37 tổ chức không phải là ngân hàng cũng tham gia cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 33 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Để bảo mật an ninh trong thanh toán, trong Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã xác định rất rõ các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến khách hàng theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng phải tuân thủ các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử, thực hiện các yêu cầu đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin và quy định về an toàn, bảo mật trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng trên internet.
Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, Thông tư 18 quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng, Thông tư 35 quy định về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định rất rõ trách nhiệm của các đơn vị trung gian thanh toán để cung ứng dịch vụ thanh toán này. Ngân hàng Nhà nước đã và đang cùng với các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát lại, xây dựng hành lang pháp lý một cách chặt chẽ, an toàn nhất cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay. Bởi lẽ, đây cũng là vấn đề báo chí rất quan tâm thời gian qua. Nhiều trường hợp lợi dụng việc ứng dụng công nghệ này để thực hiện kinh doanh bất hợp pháp hoặc thực hiện những việc có tính chất lừa đảo trên mạng. Về phía các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần cảnh báo, đưa ra những hình thức có thể dễ bị lợi dụng, lừa đảo để các tổ chức tín dụng cảnh giác.