Năm 2021 là năm của lửa thử vàng, thử ý chí và trách nhiệm

Bên thềm năm mới 2021, chia sẻ với phóng viên TTXVN, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định trong năm nay, thách thức vẫn hiện hữu nhưng với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng để vượt qua mọi khó khăn; trong đó Bộ Công Thương đang tiên phong triển khai nhiều giải pháp toàn diện.

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) - một đơn vị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Với vai trò đứng đầu Bộ Công Thương, Bộ trưởng có thông điệp gì để khẳng định những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021?

Năm 2021 sẽ có rất nhiều nhiệm vụ và yêu cầu vừa thể hiện tính cấp bách cần thực hiện cũng như các mục tiêu chiến lược và dài hạn của đất nước.

Tuy nhiên, cần xác định rõ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn và có những diễn biến phức tạp thì những mục tiêu được Đảng, Nhà nước nêu lên và được Chính phủ cụ thể hóa trong những yêu cầu trong những chỉ thị, nghị quyết về việc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ và có hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm an toàn tính mạng người dân cũng như bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Cùng với đó là việc phối hợp với cộng đồng quốc tế để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, kết hợp với việc tiếp tục khôi phục và đưa nền kinh tế thật sự trở lại trạng thái bình thường, tiếp tục có những động năng cho phát triển mới, bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân cũng như tiếp tục xây dựng những nền tảng tiền đề cho sự phát triển bền vững của đất nước trong kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm sắp tới.

Cụ thể là những mục tiêu xuyên suốt và đồng thời cũng có tính cấp bách, cần phải tập trung quyết liệt để thực hiện. Ở đây phải nhấn mạnh một yếu tố là dịch bệnh COVID-19 hoàn toàn không đơn giản, mặc dù đã có vaccine để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, nhưng không bao giờ được mất cảnh giác bởi tốc độ và sự lây lan cũng sự chuyển biến thay đổi rất nhanh và phức tạp. Do đó, chỉ cần mất cảnh giác, lơ là trong các khâu phòng, chống bệnh thì việc kiểm soát dịch bệnh sẽ kém hiệu quả, thậm chí sẽ có những nguy cơ rất lớn cho đất nước, cho nền kinh tế, cho nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Chính vì vậy, điều đầu tiên là yêu cầu nghiêm ngặt nhất trong phòng, chống dịch bệnh phải được quán triệt, thống nhất, tổ chức một cách chặt chẽ và hiệu quả nhất, tất cả các cấp, các ngành, ở tất cả các khu vực trong xã hội, từ trong người dân, doanh nghiệp cho đến các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Không những thế, các hoạt động để phát triển, khôi phục, đưa kinh tế trở lại trạng thái bình thường cũng phải dựa trên nền tảng bảo đảm kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ và hiệu quả. Đó là một nguyên tắc sống còn trong năm 2021 cũng như những năm tới. Ngoài ra, câu chuyện tiếp tục khôi phục và đưa nền kinh tế hoạt động bình thường phải đặt trong bối cảnh mới của năm 2021 có đầy đủ cả những cơ hội cũng như điều kiện thuận lợi về những thách thức và áp lực.

Hơn nữa, phải kể đến những khung khổ hội nhập mới mà Việt Nam đang tham gia rất sâu rộng, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đây là những cơ hội mà có thể nói chưa bao giờ Việt Nam có được một cách đồng bộ và toàn diện như vậy trong tất cả các lĩnh vực và chính những hiệp định thương mại tự do, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này sẽ là cơ hội để khai thác, biến thành những động năng phát triển mới cho đất nước và cho nền kinh tế. Vậy nên năm 2021 cho thấy cần phải có chính sách mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn, kịp thời hơn nữa của Chính phủ và các cơ quan chức năng để đồng hành và hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh những giải pháp về mặt tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tiếp cận thị trường tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, phải tính đến các cơ chế, chính sách và biện pháp cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua những tác động mà COVID-19 đang gây ra.

Đáng lưu ý, năm 2021 Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến sự phức tạp, diễn biến căng thẳng trong tranh chấp thương mại. Không chỉ các xung đột thương mại giữa các siêu cường mà còn có thể chứng kiến những tác động đến các quan hệ thương mại của liên khu vực, nhóm các quốc gia và các khối thương mại.

Vì vậy, hơn bao giờ hết các doanh nghiệp của Việt Nam cũng cần phải định vị lại và xác định cho rõ được những điều kiện thuận lợi, cơ hội mới để nhanh chóng tiếp cận được với thị trường cũng như dòng chảy thương mại và dịch chuyển của trào lưu đầu tư công nghệ để từ đó sớm cơ cấu lại các hoạt động kinh doanh theo hướng gia tăng hơn nữa những năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị.

Đặc biệt, 2021 sẽ là năm "lửa thử vàng", thử ý chí, sự quyết tâm, thử nhận thức và thử thách cả ý thức trách nhiệm. Do đó, nếu tập trung thực hiện tốt Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng thì chắc chắn sẽ vượt qua những thách thức, thử thách của năm 2021 cũng như tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hướng tới mục tiêu của năm 2030 và 2045- những sự kiện trọng đại của đất nước, đưa đất nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập trung bình cao.

Xin Bộ trưởng chia sẻ những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành công thương phải tập trung triển khai trong năm 2021?

Trong năm 2021 mục tiêu ưu tiên hàng đầu của ngành công thương là thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời những chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân cũng như tiếp tục khôi phục nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường, bảo đảm sự ổn định đời sống của nhân dân cũng như tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch và chiến lược phát triển của đất nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phải tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết 01, 02 của Thủ tướng Chính phủ cũng như các chương trình hành động Chính phủ đã ban hành trong thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, với các nước trong CPTPP, Hiệp định thương mại kinh tế đối tác toàn diện khu vực RCEP. Đây đều là những nội dung nền tảng để chúng ta vừa thực thi được thành công hội nhập nhưng đồng thời tiếp tục hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ của cơ cấu và cơ cấu lại các ngành kinh tế, nhất là theo hướng phải gắn các cơ cấu nền kinh tế của công nghiệp, thương mại dịch vụ theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng hướng vào chiều sâu, nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng.

Cùng với đó, triển khai theo hướng khởi nghiệp sáng tạo và tiếp tục tạo thuận lợi để thu hút các nguồn lực phát triển, khai thác tối đa những ưu thế và điều kiện vượt trội từ các FTA đã có.

Hơn nữa, Việt Nam phải tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa phát triển thị trường, đặc biệt là trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do cũng như các cuộc hội nhập theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa và đẩy nhanh hơn nữa việc tham gia vào trong các chuỗi cung ứng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như thúc đẩy sự phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tổ chức lại các cùng với các ngành, nhất là ngành nông nghiệp. Đây cũng là yếu tố sống còn giúp cho ngành nông nghiệp và người nông dân có thể hội nhập thành công trong chiến lược hội nhập chung của đất nước.

Đặc biệt, cần phải sớm tổ chức triển khai ngay, đưa vào trong thực tiễn của cuộc sống các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng mà đã được thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng bền vững hay là Nghị quyết 23 về chính sách công nghiệp quốc gia.

Đây là những hòn đá tảng rất quan trọng để định hướng cho việc xây dựng và phát triển hạ tầng năng lượng thiết yếu, rất quan trọng, mang tính sống còn cho nền kinh tế để phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới.

Một điểm mới và năm 2021 Bộ Công Thương sẽ phải tập trung cùng các bộ, ngành thực hiện, đó là việc tổ chức thực hiện gắn với việc đi đôi kiểm tra, đánh giá, kể cả trong các nghị quyết hay các chương trình hành động trong các chiến lược. Đây là những vấn đề có tính thiết yếu và rất cấp bách.

Mặt khác, năm 2021 đòi hỏi ngành công thương nói chung và Bộ Công Thương nói riêng quyết liệt, tập trung đổi mới các phương thức làm việc cũng như hoạt động, kể cả trong các nội dung của quản lý nhà nước lẫn cách thức tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực chuyên ngành.

Đơn cử như việc tổ chức thực thi Luật Quy hoạch mới được ban hành, trong phạm vi trách nhiệm của Bộ Công Thương trong phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tổ chức xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, quy hoạch về năng lượng, dầu khí hay là quy hoạch về thị trường thương mại, bán lẻ. Đây là những đòi hỏi rất lớn đối với ngành công thương và Bộ Công Thương trong năm 2021.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra những quyết định rất quan trọng về phát triển kinh tế; trong đó có cả hội nhập quốc tế đã nâng vị thế của Việt Nam lên đáng kể. Vậy theo Bộ trưởng, trong năm 2021 này cần quan tâm điều gì trong tổ chức thực thi để có thể tận dụng một cách hiệu quả các FTA?

Có thể nói, năm 2020 Việt Nam đã ký tới 3 hiệp định thương mại là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh.

Theo đó, Việt Nam đã trở thành một quán quân trong tổ chức thực hiện, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác và đặc biệt là đối với một nền kinh tế đang phát triển trình độ như của Việt Nam thì đây quả thực là một nỗ lực rất lớn, có ý nghĩa tích cực.

Nhờ quá trình hội nhập, Việt Nam đã có sự chuyển biến rất căn bản trong nền tảng vĩ mô từ cán cân xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai cũng như các ổn định vĩ mô khác của nền kinh tế đều được đảm bảo. Trên cơ sở đó ổn định kinh tế, ổn định trật tự chính trị xã hội đều được bảo đảm góp phần tạo nên những tiền đề và những nền tảng rất quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tới.

Và như vậy năm 2021 chúng ta hoàn toàn có quyền tự tin để hướng tới những mục tiêu rất tốt đẹp và rất khả quan mà trước hết là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ đều đã được cải thiện ổn định và phát triển theo hướng bền vững từ cấp độ khu vực đến cấp độ quốc tế.

Hy vọng và tin tưởng rằng năm 2021 với những nhận thức mới và đầy đủ, chúng ta sẽ có những hành động kịp thời và có tính toàn diện, đồng bộ để từ đó thực hiện thành công được chiến lược hội nhập cũng như các chiến lược phát triển bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Uyên Hương/TTXVN (thực hiện)
Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương
Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương

Sáng 7/1/2021, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Công Thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN