Nam Định: Trên 50.000 con lợn 'mòn mỏi' chờ xuất chuồng

Chăn nuôi theo hướng tự phát không theo quy hoạch, nhỏ lẻ nên khi giá lợn hơi xuống thấp đã khiến cho người nuôi lợn tại Nam Định lao đao.

Lợn đến tuổi xuất chuồng, người mua ít, bị thương lái ép giá, càng nuôi càng lỗ nặng nhưng các hộ nuôi vẫn phải xuất bán lợn để trả nợ và đang bỏ ngỏ khả năng tái đầu tư...

Từ bài toán khủng hoảng thừa

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, trên địa bàn tỉnh có 224 trang trại, gia trại nuôi lợn với khoảng 780.000 con, tổng sản lượng thịt đạt 165.000 tấn.

Ước tính mức tiêu thụ thịt lợn trong tỉnh khoảng 100.000 tấn, còn lại 65.000 tấn chủ yếu xuất bán cho các thương lái đưa đi các tỉnh trong khu vực tiêu thụ. Hiện số lượng lợn trên 100kg/con chưa xuất chuồng trên địa bàn còn khoảng 50.000 con.

Các hộ chăn nuôi lợn tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định tiếp tục chăm sóc đàn lợn chờ giá nhích lên mới xuất chuồng. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, ông Ninh Văn Hiểu thừa nhận, từ khi giá lợn giảm sâu đến mức kỷ lục trong nhiều năm qua ở ngưỡng dưới 20.000 đồng/kg đã bộc lộ hệ lụy của việc chăn nuôi tự phát đó là khủng hoảng thừa, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, khiến các chủ trang trại, gia trại tại Nam Định đứng trước nguy nợ nần chồng chất. Với mức giá hiện nay, ước tính người nuôi lợn lỗ từ 1 - 2 triệu đồng/con.

Ông Trần Văn Tấn, chủ trại nuôi lợn ở thôn 10, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) vay 500 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư nuôi 500 con lợn thịt. Lợn đến tuổi xuất chuồng vào thời điểm mức giá thấp kỷ lục 16.000 đồng/kg, gia đình ông vẫn phải bán 200 con để trả nợ.

Ông Tấn cho biết, những ngày gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng được biết, giá lợn đã tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg song tại địa phương, các thương lái vẫn chỉ trả 18.000 đồng/kg nên gia đình chưa bán.

Tuy nhiên, lợn đã đạt trọng lượng 140 - 150kg/con nên trong vài ngày tới dù giá không nhích lên gia đình vẫn phải bán vì để lại nuôi thì phải chăm sóc, cho ăn và như thế sẽ càng lỗ nặng, hơn nữa lợn to quá sẽ khó bán.

Những năm trước, khi giá lợn ổn định, với 500 con lợn xuất chuồng, ông Tấn lãi trên 1 tỷ đồng nhưng hiện nay nếu bán hết 300 con lợn còn lại gia đình ông lỗ khoảng 1 tỷ đồng. Trước tình hình giá lợn giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại Nam Định có xu hướng giảm đàn nhưng với những chủ trang trại nuôi quy mô lớn như ông Tấn thì rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Theo ông Tấn, gia đình đã nhận đất trong vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi của xã; đồng thời cũng đã đầu tư 700 triệu đồng xây dựng 3 dãy chuồng trại quy mô theo quy trình công nghiệp.

Do đó, nếu không nuôi lợn thì chưa biết sẽ phải làm gì; nên sắp tới gia đình sẽ tiếp tục mua lợn giống về nuôi. Ban đầu, gia đình chỉ nuôi khoảng 200 con, chờ khi thị trường giá cả ổn định trở lại sẽ tiếp tục tăng đàn.

Ông Tấn mong muốn nhà nước, các cơ quan chức năng giúp các hộ chăn nuôi tìm kiếm đầu ra, kết nối với các cơ sở giết mổ, đơn vị bao tiêu sản phẩm giúp người nuôi lợn hạn chế rủi ro, yên tâm phát triển sản xuất.

Đến phát triển chăn nuôi bền vững

Nhằm tháo gỡ khó khăn, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững, mới đây, tại Hội nghị triển khai phương hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2017 - 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu, các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chuyên môn rà soát, bổ sung quy hoạch vùng chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng phù hợp với thực tế để hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa, cung vượt cầu như hiện nay.

Các địa phương khuyến khích, tăng khả năng tiêu thụ thịt lợn của người dân trên địa bàn góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nuôi lợn.

Cùng với đó, lập quy hoạch phát triển các sản phẩm thịt lợn mảnh, lợn sữa; hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, mỗi vùng có từ 1 - 2 trang trại hạt nhân làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp sản xuất con giống, bao tiêu sản phẩm cho các trang trại và gia trại; nghiên cứu xây dựng vùng chăn nuôi lợn xuất khẩu.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Nam Định tạo điều kiện thuận lợi cho thành lập các Hợp tác xã chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi, hiệp hội chăn nuôi trang trại, câu lạc bộ chăn nuôi để phổ biến kinh nghiệm, thông tin giá cả thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
 
Tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp các tỉnh bạn và xuất khẩu; khuyến khích các hình thức chăn nuôi theo hợp đồng giữa các chủ trang trại có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn; có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm xuất khẩu.

Vào tháng 6/2017, Công ty TNHH Biển Đông sẽ đưa nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm tại xã Hải Nam, huyện Hải Hậu (Nam Định) vào hoạt động.

Dự kiến với công suất 50 tấn/ngày, nhà máy cần nguồn nguyên liệu khoảng 150.000 - 180.000 con lợn mỗi năm nên đơn vị sẽ ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với các trang trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn. Việc đưa nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm này vào hoạt động sẽ giải quyết một phần đầu ra cho chăn nuôi lợn Nam Định.

Ngành chăn nuôi Nam Định đặt mục tiêu tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến; trong đó, lợn vẫn được xem là một trong những con nuôi chủ lực. Nam Định phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn lợn trên địa bàn đạt 850.000 con, sản lượng thịt 190.000 tấn.

Vũ Văn Đạt (TTXVN)
Chung tay nỗ lực 'giải cứu' ngành chăn nuôi lợn
Chung tay nỗ lực 'giải cứu' ngành chăn nuôi lợn

Hơn 6 tháng liên tiếp giảm mạnh, giá thịt lợn đã giảm xuống mức chưa từng có. Nhiều vùng, giá lợn hơi chỉ còn 15.000 - 20.000 đồng/kg, các hộ chăn nuôi điêu đứng, trên bờ vực phá sản. Đứng trước tình thế này, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương đã kêu gọi toàn dân giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN