Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam được triển khai tại thành phố Nam Định đã đáp ứng “Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020” của Chính phủ và phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh Nam Định. Dự án đã thực sự đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của người dân, đặc biệt là người nghèo, người có mức thu nhập thấp, góp phần cải thiện, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.Cải thiện môi trường sốngThành phố Nam Định là 1 trong 4 đơn vị được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ triển khai Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam (VUUP) từ năm 2004 đến nay. Dự án nâng cấp đô thị được triển khai với 5 hạng mục bao gồm: Hạng mục nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3; hạng mục nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 1, 2 và bổ trợ; hạng mục xây dựng khu tái định cư; hạng mục chương trình cho vay vốn cải tạo nhà và hạng mục xây dựng năng lực. Dự án hướng đến mục tiêu nâng cấp hạ tầng các khu dân cư thu nhập thấp nhằm thúc đẩy “sự tăng trưởng nhanh, bền vững mang tính tiến bộ, công bằng xã hội” và xóa bỏ tình trạng nghèo tại các khu đô thị bằng cách cải thiện các điều kiện sống, vệ sinh môi trường thông qua việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng và thúc đẩy các quy trình lập quy hoạch đô thị có sự tham gia của người nghèo theo hướng hỗ trợ.
Dự án đã góp phần thay đổi cảnh quan, môi trường của thành phố Nam Định. |
Sau 10 năm thực hiện, với tổng số vốn 49 triệu USD, dự án đã giúp thành phố Nam Định giải quyết nhiều thách thức và mang hiệu quả to lớn, không chỉ giúp phát triển đô thị mà còn giúp cải thiện các điều kiện sống và vệ sinh môi trường của người nghèo sinh sống trên địa bàn thành phố, góp phần quan trọng vào nỗ lực hướng tới một cuộc sống ổn định cho hàng trăm nghìn người nghèo.
Năm 2003, tỷ lệ người nghèo ở thành phố Nam Định chiếm 13% trong tổng số 232.304 người. Trong đó, số người nghèo trong các khu dân cư thu nhập thấp thuộc dự án chiếm trên 81% tổng số người nghèo trên địa bàn thành phố Nam Định. Đa phần người nghèo tập trung sinh sống tại các khu dân cư cũ với hệ thống cơ sở hạ tầng thấp kém được xây dựng từ nhiều năm, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức và bị xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, người dân sống tại các khu vực này bị hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ liên quan đến chăm sóc sức khỏe như y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường… Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng xấu đến người dân sinh sống ở khu vực này mà còn là vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng lớn đến người dân toàn thành phố.
Thông qua các hoạt động như nâng cấp các cơ sở hạ tầng cấp 3 cơ bản cũng như các dịch vụ khác tại các khu vực có thu nhập thấp; cung cấp, cải tạo lại hệ thống cơ sở hạ tầng cấp 1 và 2 để kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng cấp 3 trong các khu vực có thu nhập thấp; cung cấp nhà ở hoặc đất có sẵn cơ sở hạ tầng dịch vụ với mức giá hợp lý cho các hộ gia đình thu nhập thấp phải thực hiện tái định cư; lập quỹ cho vay cải tạo nhà ở cho các hộ gia đình có thu nhập thấp tại các khu vực được nâng cấp và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện quy trình quản lý đất đai tại thành phố… Dự án nâng cấp đô thị Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo tại các khu đô thị, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường thông qua việc xây dựng hệ thống thoát nước mưa và nước thải trong khu vực thành phố, giải quyết vấn đề ngập úng, ô nhiễm môi trường.
Giải quyết vấn đề ngập lụt và ô nhiễm môi trườngTheo thống kê, đến nay tổng số người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án lên tới trên 200.000 người, chiếm 100% dân số tại các khu dân cư thu nhập thấp tại 20 phường trung tâm của thành phố. Các công trình được dự án đầu tư xây dựng cũng bao trùm địa bàn toàn thành phố Nam Định với diện tích khoảng 18,22 km2, do vậy đã có 247.709 người khác được hưởng lợi gián tiếp. Dự án đã góp phần làm cho cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn, thời gian ít hơn, mức độ an toàn hơn khi tham gia giao thông trong thành phố cao hơn, các tổn thất về tài sản và tiền bạc giảm, có thêm nhiều khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trước đây, sau mỗi trận mưa, hầu hết các tuyến phố trên địa bàn thành phố Nam Định thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt kéo dài trung bình khoảng 3 giờ. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành các hạng mục công trình thoát nước trong dự án, tình trạng này đã được giải quyết triệt để. Ở hạng mục này, dự án đã đầu tư nâng cấp và cải tạo đồng bộ hệ thống thoát nước lưu vực phía bắc thành phố như tuyến kênh T3 - 11, trạm bơm Quán Chuột và các tuyến cống nhánh để đấu nối vào hệ thống tuyến chính cũng như đầu tư xây dựng các hồ điều hòa như đầm Bét, đầm Đọ, hồ Năng Tĩnh, hồ Bảo Bối… Sau khi nâng cấp, cải tạo đồng bộ, hệ thống thoát nước này đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hệ thống thoát nước mưa, ngập lụt, ô nhiễm môi trường và nước thải ở thành phố Nam Định.
Ông Nguyễn Đắc Khang, người dân sinh sống ở tổ dân phố số 22, phường Năng Tĩnh cho biết, cứ sau mỗi trận mưa là hàng nghìn hộ dân ở đây phải chịu cảnh úng lụt rất khổ sở, cộng với đó là tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở hồ Năng Tĩnh. Tuy nhiên, sau khi hệ thống tiêu thoát nước được hoàn thành và hồ Năng Tĩnh được nạo vét, kè lại thì người dân đã không còn phải chịu tình trạng ngập úng sau mưa; cảnh quan môi trường ở hồ Năng Tĩnh được cải thiện, giảm thiểu tình trạng bệnh tật liên quan đến ô nhiễm môi trường.
Ông Vũ Văn Nga ở ngõ 82/181, đường Phù Long, phường Trần Tế Xương, chia sẻ, là khu vực ven đô, hệ thống cơ sở hạ tầng của phường được xây dựng từ thời bao cấp với hệ thống cống rãnh hở, hôi thối, mưa úng lụt, khu vực vệ sinh không được đảm bảo. Từ khi được dự án nâng cấp đô thị đầu tư, đến nay, tất cả các ngõ, ngách đã được nâng cấp, cải tạo tốt, các khu vệ sinh không đảm bảo đã được xóa bỏ. Không còn xảy ra tình trạng ngập lụt sau mưa, vệ sinh môi trường được cải thiện, giúp nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường.
Dự án đã từng bước thay đổi thói quen và lối sống của người dân theo hướng văn minh đô thị. Chính nhờ việc nâng cấp, mở rộng ngõ khu dân cư đã tạo điều kiện cho người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung tại khu dân cư như việc các tổ dân phố tự xây dựng quy định của ngõ/tổ trong việc giữ gìn vệ sinh chung hoặc bảo vệ các công trình hạ tầng tại ngõ phố… Người dân cũng hình thành thói quen tăng cường nâng cao sức khỏe, tập thể dục tại những nơi thoáng mát mà trước kia môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng như dọc khu vực hồ đầm Bét, đầm Đọ, hồ Năng Tĩnh. Dự án cũng đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận, giảm tình trạng ngập lụt và cải thiện điều kiện môi trường, tình hình giao thông và cảnh quan đô thị. Các gia đình trong vùng đã được thụ hưởng nhiều kết quả từ dự án thông qua hệ thống thoát nước, các dịch vụ vệ sinh, môi trường. Những ngõ, ngách trước kia chật hẹp, lầy lội, ngập úng giờ đã rộng rãi, sạch sẽ và an toàn hơn.
Ngoài việc góp phần giải quyết tình trạng ngập lụt trên toàn thành phố và giảm thời gian đi lại, giao thông thuận tiện, hạn chế tai nạn giao thông, môi trường cải thiện rõ rệt, dự án còn góp phần tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các hộ dân tại các khu vực dự án thực hiện cải tạo, xây dựng đường, cống, kênh hồ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Bài và ảnh: Thùy Dung