Tại cánh đồng xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, nhiều thửa ruộng đã được nông dân sử dụng ni lông căng xung quanh để ngăn chuột cắn phá. Thế nhưng, lúa vẫn bị chuột cắn phá mỗi ngày.
Ông Nguyễn Phỉ Thạnh, xã Nghĩa Trung cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, nhiều diện tích lúa ở giai đoạn đẻ nhánh nhưng chuột cắn phá nghiêm trọng khiến nông dân lo lắng một vụ lúa thất thu. Do đó, bà con đã dùng đủ mọi cách như thả thuốc diệt chuột sinh học, cắm bao ni lông dọa chuột, đặt bẫy quanh ruộng... nhưng diện tích bị chuột cắn phá không ngừng tăng.
“Thả thuốc thấy chuột ăn hết nhưng không thấy chuột chết mà lúa vẫn bị cắn phá. Đứng ngoài không thấy nhưng đi vào giữa ruộng thấy loang lổ, có nơi không còn cây nào”, ông Thạnh nói.
Nhiều hộ dân đã đắp bờ vùng, bờ thửa để dâng nước trong ruộng nhằm ngăn chuột cắn phá. Tuy nhiên, giữa mênh mông nước, chuột vẫn bơi ra giữa ruộng để cắn phá. Ông Nguyễn Ca, xã Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi cho hay, vụ Đông Xuân năm nay thời tiết thuận lợi, sâu bệnh ít xuất hiện, trong khi mật độ chuột lại tăng cao bất thường. Nguyên nhân có thể là do năm 2023 Quảng Ngãi không có lũ lớn nên chuột sinh sôi nhiều.
Trước tình trạng chuột cắn phá ngày một nhiều, nông dân đã sử dụng nhiều cách để diệt chuột. Tuy nhiên, việc diệt chuột không mang tính chất đồng loạt nên hiệu quả không cao, chuột vẫn cứ cắn phá, nhất là những thửa ruộng vùng ven núi, gần đường giao thông hay gần khu dân cư.
Nhằm giảm thiểu tác hại do chuột gây ra, góp phần bảo vệ năng suất lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị chính quyền các địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện cần tăng cường công tác quản lý và thống kê cụ thể diện tích lúa đã bị chuột cắn phá, đồng thời hướng dẫn người nông dân các biện pháp chủ động phòng trừ chuột trên ruộng lúa như: đặt bả diệt chuột sinh học hoặc bắt chuột bằng các biện pháp thủ công, sau đó thu gom, chôn lấp xác chuột đúng quy định, nhằm ngăn chặn mầm bệnh từ chuột lây lan cho người và động vật nuôi, đặc biệt không được dùng điện làm bẫy diệt chuột…
“Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, các địa phương cần tuyên truyền, vận động nông dân diệt chuột bằng các phương pháp thủ công như đào bắt, hoặc dùng bẫy cơ học... Khi dùng bả diệt chuột hóa học, nông dân lưu ý phải đảm bảo an toàn cho người, gia súc, gia cầm và môi trường trong quá trình đánh bả chuột. Trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như Broma 0,005AB, RacuminTP 0,75, Flocoumafen... và tuân theo đúng hướng dẫn ghi trên bao bì. Ngoài ra, bà con cần thường xuyên phát quang bờ bụi rậm, gò đồng nhằm làm mất nơi cư trú của chuột. Đặc biệt, tuyệt đối không dùng điện để bẫy chuột vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng con người”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi Phạm Bá khuyến cáo.