Vốn FDI chú trọng cả lượng và chất
Hơn 350 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã đổ vào Việt Nam sau hơn 30 năm mở cửa thu hút FDI, đây là con số rất ấn tượng, đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, nguồn vốn FDI cũng còn nhiều hạn chế như nhiều dự án kém chất lượng, chậm triển khai, gây lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động, đội vốn…
Nghị quyết (NQ) đầu tiên về hợp tác đầu tư nước ngoài chính là định hướng mới cho việc thu hút FDI thời gian tới. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, mục tiêu về “chất” của NQ này là thu hút các dự án chất lượng cao, đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thân thiện với môi trường.
Mục tiêu về “lượng” cũng được xác định rất rõ. Cụ thể, vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỉ USD (40 - 50 tỉ USD/năm). Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỉ USD (20 - 30 tỉ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm).
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, những con số rất cụ thể này đã thể hiện mục tiêu của Việt Nam vê hợp tác đầu tư nước ngoài thời gian tới là chú trọng cả về chất và lượng. Các chỉ tiêu liên quan đến tổng mức giải ngân, vốn đăng kí đầu tư được tính toán để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển giai đoạn 2021- 2030 là tăng trưởng 6,5 – 7%/năm. Tổng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chiếm từ 25 – 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nguồn vốn này giúp đảm bảo Việt Nam đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội.
“Con số 25 – 30% còn giúp đảm bảo các nguồn vốn đầu tư trong nước, FDI không chèn ép vốn đầu tư trong nước và đảm bảo tính tự chủ của chúng ta trong nền kinh tế”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), vị thế của Việt Nam ở ASEAN ngày càng rõ. Năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch của ASEAN, các nước coi chúng ta là tiếng nói chủ chốt và vị thế ở ASEAN. Mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ cũng thay đổi rất nhanh, Mỹ vừa xóa thuế nhập khẩu đối với tôm của Việt Nam vào nước này. Đặc biệt, tuy Mỹ không tham gia CPTPP nhưng hiện họ đang muốn đàm phán riêng về một Hiệp định thương mại tự do song phương mới với Việt Nam thay cho BTA. Mỹ coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng đã ký EVFTA với EU.
“Mở rộng vấn đề hơn với NQ của Bộ Chính trị, tôi hy vọng quan hệ đầu tư từ EU, Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng. Các đối tác ở châu Á như Nhật, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan, Malaysia... có rất nhiều, nhưng chọn đối tác theo cách nào thì Việt Nam cần phải khôn ngoan”, GS Nguyễn Mại khuyến nghị.
Cụ thể hóa bằng hành động
Cộng đồng DN nước ngoài đang tỏ ra hào hứng với nội dung của NQ này. Bởi NQ sẽ “mở rộng cửa” với những nhà đầu tư chân chính có công nghệ hiện đại, đi tắt đón đầu, ngược lại loại bỏ những nhà đầu tư chộp giật với công nghệ lạc hậu.
Tất nhiên, nội dung của NQ mới chỉ là những định hướng nền tảng mang tính cốt lõi. Để NQ đi vào thực tế, cần sự vào cuộc của Chính phủ để thể chế hóa NQ thành những quy định cụ thể. Thực tế, các NQ của Chính phủ gần đây cũng đã đề cập nhiều tới việc tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh, bình đẳng, và đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam phải vào được nhóm nước ASEAN+3.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, NQ50 ban hành với những chỉ đạo cụ thể nhằm chặn dự án FDI xấu. Khi môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh hơn, các nhà đầu tư chân chính sẽ rất chờ đợi. “Vấn đề còn lại là cần sớm có chương trình hành động, thể chế hóa các định hướng quan trọng mà Bộ Chính trị chỉ ra để Việt Nam đón được dòng vốn đầu tư chất lượng hơn, góp phần đóng góp tích cực cho nền kinh tế”, ông Thắng nói.
Để thu hút được các dự án FDI chất lượng cao, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam sẽ có bộ lọc về công nghệ, môi trường để đảm bảo các dự án đáp ứng yêu cầu. Còn với các dự án đầu tư hiện hữu mà chưa phù hợp với nội dung NQ, sử dụng công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường thì thời gian tới sẽ vận động DN tự thay đổi công nghệ sản xuất, không cho phép gia hạn dự án, mở rộng sản xuất nếu không thay đổi công nghệ cũ.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu thay đổi rất nhanh, nguồn tài nguyên, đất đai và nguồn nhân lực giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư như giai đoạn trước, Việt Nam cần có hệ thống thể chế chính sách thông thoáng, thuận lợi cho các DN, bên cạnh đó tập trung vào các tiềm năng của chúng ta, đặc biệt là con người. Đây chính là lợi thế cạnh tranh giai đoạn mới.
Hiện nay, Luật Đầu tư đã có cơ chế bảo hộ các nhà đầu tư nước ngoài, được kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. NQ50 của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh việc bảo hộ nhà đầu tư thông qua các cơ chế như trọng tài giải quyết khiếu nại. Đây là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.
Mục tiêu của Nghị quyết 50:
- Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.
- Tỉ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
- Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.