Thu hút FDI đạt 22,63 tỷ USD trong 8 tháng 2019

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,63 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 11,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Chú thích ảnh
Trong 8 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,63 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh: TTXVN

Theo đó, có 2.406 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,4% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 9,13 tỷ USD, bằng 67,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Về điều chỉnh vốn, có 908 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký điều chỉnh gần 4 tỷ USD, bằng 71,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 8 tháng năm 2019, quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ, không có dự án tăng vốn lớn như trong cùng kỳ năm 2018.

Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 42% tổng vốn đăng ký.

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 117,95 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 69,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 116,55 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm ,6% kim ngạch xuất khẩu.

Khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 21,8 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 20,4 tỷ USD không kể dầu thô. Mặc dù khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,4 tỷ USD, nhưng xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp được nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy cả nước xuất siêu 3,4 tỷ USD trong 8 tháng năm 2019.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 15,74 tỷ USD, chiếm 69,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,31 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,19 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo đối tác đầu tư, đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,63 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội), chiếm 24,9% tổng vốn đầu tư.

Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,48 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,27 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm với tổng vốn đăng ký 2,78 tỷ USD và 2,34 tỷ USD.

Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 5,66 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,86 tỷ USD, chiếm 17% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 1,95 tỷ USD chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư.

Thúy Hiền (TTXVN)
Lựa chọn nhà đầu tư phù hợp trong thu hút FDI
Lựa chọn nhà đầu tư phù hợp trong thu hút FDI

Trong 5 tháng đầu năm 2019, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang là điểm sáng của nền kinh tế. Với tốc độ tăng vốn FDI nhanh cùng với vốn giải ngân cao đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu trong khối ASEAN được các nhà đầu tư lựa chọn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN