Đồng thời, kết hợp, lồng ghép đánh giá kết quả tác động của Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2023 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo.
Cũng theo quy định về nhiệm vụ và giải pháp “nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, nội dung dự thảo quy định: “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan: tuyên truyền và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do”.
Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ giới hạn phạm vi liên quan tới việc khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Trong khi đó, VCCI hiện triển khai công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng với các yêu cầu ngày càng cao trong các lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực….
Vì thế, VCCI đề nghị bổ sung nội dung theo hướng, VCCI chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tuyên truyền và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do; thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực… tương ứng với các nhiệm vụ được giao trong các văn bản pháp luật có liên quan; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững. Cùng đó, thực hiện các giải pháp nhằm phát triển nhanh cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Liên quan tới nhiệm vụ và giải pháp tổ chức các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, dự thảo nêu “Các bộ, ngành, địa phương: Coi trọng và thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đối thoại thực chất, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, nhiệm vụ trên mới được giao cho các bộ, ngành và địa phương, trong khi VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đóng vai trò cầu nối rất quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong đề xuất các giải pháp xử lý vướng mắc, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Do đó, VCCI đề nghị bổ sung vai trò, nhiệm vụ của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, trao đổi với người dân để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo đối thoại thực chất, giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc.