Nâng cao đạo đức để... hạn chế rủi ro cho vay

Rủi ro trong hoạt động cho vay tại các ngân hàng đến từ nhiều phía, tuy nhiên nguyên nhân rủi ro lớn nhất đến từ đạo đức - lòng tham của người vay lẫn người cho vay.

Sau khi Báo Tin Tức đưa loạt bài về “Nhận diện rủi ro cho vay tại các ngân hàng” nói về việc trong thời gian qua, hàng loạt các vụ đại án ngân hàng được đưa ra xử lý, như vụ Phạm Công Danh và mới đây là vụ bầu Kiên, cho thấy hoạt động cho vay hiện nay đang có nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro về mặt pháp lý. Để hạn chế rủi ro này, các chuyên gia về kinh tế và pháp luật cho rằng cần xét nhiều khía cạnh để đưa ra giải pháp. 

Rủi ro lớn nhất trong hoạt động cho vay lại đến từ đạo đức của nhân viên ngân hàng và người đi vay. Ảnh: CTV

Theo chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh và CEO trường BizLight, hiện NHNN đang thực hiện nhiều luật để hạn chế rủi ro cho vay. “Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay về rủi ro pháp lý trong hoạt động cho vay thì lại nằm ở vấn đề thực thi pháp luật yếu và rủi ro về đạo đức, rủi ro về hoạt động quá cao và kiến thức pháp lý quá yếu của người cho vay”, LS.TS Tín nhấn mạnh.


Đồng tình quan điểm này, LS Trần Viết Quân - thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, luật sư của BizLight, đã nêu lên 2 khía cạnh cần xem xét: Thứ nhất là từ khách hàng: khả năng kinh doanh yếu kém, hành vi lừa đảo… Thứ 2 là từ ngân hàng: thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, mục tiêu lợi nhuận cao, chính sách cho vay không phù hợp; trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ nhân viên có vấn đề…


Với những nguyên nhân trên, theo LS Quân, phía ngân hàng vẫn là quan trọng nhất và cần có những giải pháp phải được chủ động thực hiện bởi ngân hàng. Theo đó, việc nâng cao đạo đức từ người cho vay là điều cần thiết để hạn chế rủi ro.


Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn phải thực hiện nâng cao hệ thống quản trị rủi ro và cơ chế thực thi. Cụ thể là phải buộc các ngân hàng xây dựng quy trình quản trị rủi ro, cập nhật với các chuẩn mực quốc tế, báo cáo Ngân hàng nhà nước để kiểm soát.


Tuy nhiên, ThS. LS Vũ Quyết Tiến - thành viên Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh và LS của BizLight, cũng cho rằng để hạn chế rủi ro cho vay, điều cần làm nhất là chú trọng đến khâu thẩm tra tài sản bảo đảm và theo dõi tài sản bảo đảm. Thực tế cho thấy, có nhiều vụ việc diễn ra liên quan một tài sản bảo đảm nhưng cầm cố cho 7 ngân hàng.


Ngoài ra, cần rà soát, hoàn thiện lại quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng (cá nhân, tổ chức kinh tế…). Đây là giai đoạn rất quan trọng để ngân hàng đánh giá được việc tuân thủ các nghĩa vụ của khách hàng liên quan đến hợp đồng vay tín dụng và ngân hàng phát hiện, nhận dạng các rủi ro tiềm ẩn đối với khoản vay này để kịp thời phòng ngừa, hạn chế rủi ro.


Ths.LS Tiến cũng đề nghị nên xây dựng các biện pháp xử lý thu hồi nợ, khoản vay. Các ngân hàng cần thận trọng thẩm tra và xây dựng các kế hoạch thu hồi nợ xấu và các biện pháp thu hồi nợ; xây dựng các chi phí cho việc thu hồi nợ, chú trọng đến vấn đề xử lý tài sản của doanh nghiệp khi doanh nghiệp tiến hành thủ tục phá sản, xem xét đến yếu tố thứ tự ưu tiên xử lý tài sản. Trên cơ sở đó, dự liệu các tình huống phù hợp đảm bảo yếu tố thứ tự ưu tiên xử lý tài sản vẫn đảm bảo trả được nợ cho ngân hàng.


Hải Yên/Báo Tin Tức
Nhận diện rủi ro cho vay tại các ngân hàng: Điểm sáng đổi mới pháp lý  – Bài cuối
Nhận diện rủi ro cho vay tại các ngân hàng: Điểm sáng đổi mới pháp lý – Bài cuối

Có thể thấy, những "đại án" ngân hàng hôm nay chỉ là việc xử lý những hậu quả phát sinh từ yếu tố quản trị ngân hàng của nhiều năm trước. Vì vậy, thời gian qua, pháp luật liên quan đến ngân hàng đã có nhiều sửa đổi và ngày càng hoàn thiện trong hoạt động cho vay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN