Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp

Ngày 10/6, tại Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị chuyên đề củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Chú thích ảnh
Các đơn vị ký kết bản ghi nhớ hợp tác tại hội nghị. 

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến hết năm 2018, toàn vùng trung du, miền núi phía Bắc có trên 3.300 hợp tác xã nông nghiệp (tăng 155% so với năm 2013), chiếm 24,14% tổng số hợp tác xã nông nghiệp trong cả nước. Doanh thu bình quân đạt 724 triệu đồng/hợp tác xã; thu nhập bình quân một lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt 36,53 triệu đồng/người.

Mặc dù số lượng các hợp tác xã tăng, chất lượng hoạt động đươc nâng lên, song chưa bền vững; tỷ lệ hợp tác xã hoạt động tốt, khá chỉ đạt 31,19 % (thấp hơn so với bình quân cả nước); rất ít hợp tác xã có thương hiệu sản phẩm; hoạt động của các hợp tác xã thiếu gắn bó với nhau; nhiều hợp tác lúng túng trong hoạt động và xây dựng phương án sản phẩm kinh doanh, hoạt động mang tính hình thức. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý hợp tác xã nông nghiệp còn yếu và mỏng; chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế; một số quy định về tác xã chưa hoàn thiện…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định mục tiêu đến năm 2020 toàn vùng có trên 3.900 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả; trong đó có 400 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 30% số hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Theo Tiến sĩ Bùi Đình Hòa (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên), sự phát hợp tác xã nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của vùng là do tồn tại các bất cập như nhận thức của một bộ phận người dân và đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị về kinh tế hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã ít quan tâm đến việc dự báo thị trường để giải quyết đầu ra cho sản phẩm; chưa hiểu đầy đủ về nội hàm các nội dung cần quản trị đối với một tổ chức kinh tế (nguồn lực, chi phí sản xuất, bán hàng, doanh thu và lợi nhuận); việc chuyển đổi, đăng kí, thành lập hợp tác xã nông nghiệp theo quy định còn lúng túng và diễn ra khá chậm; các hợp tác xã nông nghiệp còn thiếu vốn sản xuất…

Đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam và Big C Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp bằng chính sách thu mua tận vườn và đặt đơn hàng trực tiếp với các hộ nông dân và các hợp tác xã; cung cấp thông tin, tín hiệu thị trường cho nông dân và các hợp tác xã. Đồng thời, thực hiện các chương trình sinh kế cộng đồng; tuần lễ nông sản; tuần lễ OCOP (Chương trình quốc gia “Mỗi xã, phường một sản phẩm”)…

Tham luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Lai Châu, Điện Biên kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những chính sách hợp lý để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển; xây dựng những quy định cụ thể để tránh việc trục lợi từ chính sách trong việc thành lập các hợp tác xã; tập huấn cho hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0…

Phát biểu kết luận, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đẩy mạnh chương trình OCOP, xây dựng các tuyến du lịch theo hình thức du lịch cộng đồng trải nghiệm nông thôn mới; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, đảm bảo chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc, xây dựng các sản phẩm có tính xã hội (hướng tới xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề nông thôn...).

Đồng thời, các tỉnh tiếp tục hỗ trợ về đầu ra cho sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ, phương án sản xuất hàng năm để các hợp tác xã hoạt động yếu kém phát triển; kí văn bản phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Liên minh Hợp tác xã; thực hiện tổng kết, để xác định các mô hình hợp tác xã tiêu biểu từ đó xây dựng các chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phát triển; xây dựng đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp. Cùng với đó, các hợp tác xã chủ động tiếp cận thông tin thị trường để đảm bảo sản xuất và đầu ra cho sản phẩm…

Dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức phiên chợ giới thiệu kết nối sản phẩm hợp tác xã nông nghiệp khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Tin, ảnh: Chu Hiệu (TTXVN)
HTX nông nghiệp kiểu mới - Khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp
HTX nông nghiệp kiểu mới - Khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp

Khi nào nền sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là các hộ riêng lẻ, không liên kết với nhau, thì 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN