Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội quyết tâm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn vốn vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đồng bộ kết nối toàn thành phố.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, giai đoạn 2011-2016, UBND Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện 14 chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài với tổng số gần 69.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn vay ODA đã ký hiệp định vay với các nhà tài trợ là gần 43.000 tỷ đồng. Trong 43.000 tỷ đồng này, Thành phố đã giải ngân gần 11.600 tỷ đồng (đạt 27%), tổng số vốn vay thuộc cơ chế vay lại là gần 18.000 tỷ đồng, Thành phố đã ký hợp đồng vay lại gần 986 tỷ đồng.
Hầu hết các dự án sử dụng vốn vay ODA được đầu tư cho các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng, ít có khả năng sinh lời trực tiếp như: hệ thống giao thông đô thị, môi trường, cấp nước, thoát nước… nhưng đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội, góp phần quan trọng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội do Ngân hàng Thế giới tài trợ đưa vào sử dụng cuối năm 2016 với đóng góp đáng kể là các hạng mục tuyến đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy và tuyến BRT từ Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa đã góp phần phát huy hiệu quả cầu Nhật Tân, tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài được thông suốt, rút ngắn thời gian đến sân bay quốc tế Nội Bài.
Tuy nhiên, các dự án sử dụng vốn vay ODA thường bị chậm tiến độ, phát sinh chi phí do khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, trải dài trên địa bàn dân cư phức tạp trong khi khung thể chế về quản lý và sử dụng vốn vay ODA dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ với các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và các nhà tài trợ.
Đặc biệt, các dự án đường sắt đô thị có quy mô lớn, lần đầu triển khai thực hiện ở Việt Nam trong khi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị, các hướng dẫn liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ các chủ sở hữu công trình trên mặt đất khi có công trình ngầm xây dựng đi qua đều chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn kịp thời.
Bên cạnh đó, dự án được thực hiện từ nhiều nguồn vốn của nhiều nhà tài trợ khác nhau, phải xin ý kiến từng nhà tài trợ dẫn đến việc kéo dài thời gian, thủ tục phê duyệt bổ sung vốn vay, phát sinh chi phí so với dự kiến.
Tại buổi khảo sát tuyến số 2 và tuyến số 3, dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội của Đoàn đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 2/8, ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hiện tại, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đạt tiến độ thực hiện khoảng 44%.
Ban đã hoàn thành công tác tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng 8/9 gói thầu xây lắp, thiết bị sử dụng vốn ODA, còn lại gói thầu CP09 đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến ký hợp đồng vào cuối năm 2018. Đến tháng 7/2018, dự án đã giải ngân tổng cộng 7.767 tỷ đồng, trong đó vốn ODA 6.252 tỷ đồng và vốn đối ứng là 1.515 tỷ đồng.
Dự án tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ tháng 11/2008 với thời gian dự kiến hoàn thành là năm 2015.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới hoàn thành sơ tuyển 5/5 gói thầu xây lắp thiết bị chính của dự án, hoàn thành khoảng 45% diện tích đoạn trên cao và 20% diện tích đoạn đi ngầm; tổng vốn giải ngân của dự án đến hết năm 2017 là hơn 784 tỷ đồng, đạt 4%.
Để thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi hiệu quả, UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh quá trình giải quyết các thủ tục liên quan tới mở quyền rút vốn, ký các hiệp định vay lại, điều chỉnh và gia hạn hiệp định vay cũng như các thủ tục liên quan.
Đặc biệt, Thành phố đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu tìm giải pháp nâng cao hơn nữa vai trò làm chủ của Việt Nam trong việc đàm phán, tiếp nhận các khoản tài trợ ODA để các điều kiện ràng buộc riêng của từng nhà tài trợ hài hòa với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, tránh việc phải tuân thủ đồng thời quy định của Việt Nam và các quy định của nhà tài trợ dẫn đến việc kéo dài thời gian và chậm giải ngân dự án.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan Chính phủ và nhà tài trợ hoàn chỉnh quy trình xây dựng, tổng hợp kế hoạch giải ngân nguồn vốn ODA hàng năm cũng như nghiên cứu hệ thống biểu mẫu báo cáo tiến độ giải ngân, xây dựng kế hoạch giải ngân nguồn vốn ODA trong kế hoạch hàng năm để đảm bảo thống nhất, tránh chồng chéo.
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện kế hoạch trung hạn 2016-2020, Thành phố đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn trung hạn cho các dự án ODA để đáp ứng được nhu cầu giải ngân của các dự án.
Ghi nhận tinh thần chủ động, kiên quyết của Thành phố Hà Nội trong quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội khẩn trương làm việc với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Trong việc sử dụng vốn vay ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị Hà Nội tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, triển khai dự án một cách đồng bộ, đảm bảo hòa hợp với lợi ích của người dân.
Đồng thời, Đoàn sẽ xem xét, tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội các kiến nghị, đề xuất của lãnh đạo thành phố để điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách hợp lý, góp phần nâng cao hiệu quả từng chương trình, dự án đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài trong thời gian tới.