Đây là hoạt động nhằm thực hiện Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Tạo bước đột phá để cải cách công tác quản lý thuếCục trưởng Cục thuế thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19, Cục đã có những bước đột phá để cải cách công tác quản lý thuế qua đó giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế, cơ quan thuế trong kê khai, nộp thuế. Tại Hà Nội, trên 62% doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh qua mạng (cấp độ 4) cấp mã số thuế tự động trong thời gian không quá 30 phút, giảm 87,5% thời gian thực hiện so với quy định. Cục Thuế thành phố Hà Nội là đơn vị đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet. Tính hết tháng 12/2016 có 115.922 doanh nghiệp thực hiện nộp tờ khai qua mạng đạt 97,8%; có 115.886 đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử, đạt 94,53% số đơn vị đã kê khai qua mạng với tỷ lệ chứng từ nộp thuế điện tử khoảng 87%, tỷ lệ tiền thuế nộp điện tử đạt khoảng 95%.
Đoàn công tác làm việc tại Cục Thuế Thành phố Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Cục chủ động phối hợp với cơ quan Công an, Sở Tài chính xây dựng ứng dụng phục vụ triển khai thí điểm khai, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ ô tô, xe máy hướng tới cấp độ 4; phối hợp các Sở có liên quan trong việc quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất trên địa bàn thành phố đã rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày xuống 3 ngày, tính công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc để người sử dụng đất nắm được thời gian giải quyết hồ sơ ở từng bộ phận, từng cơ quan. Năm 2016, đơn vị đã rà soát 288 thủ tục hành chính cấp Cục và Chi cục Thuế, trong đó kiến nghị Tổng cục Thuế sửa đổi, bổ sung qui trình 11 thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian 20 thủ tục hành chính; bổ sung kê khai qua mạng 5 thủ tục hành chính.
Trước tình hình thực tế một số chính sách chưa có sự đồng nhất giữa các lĩnh vực, ngành nghề như chính sách đất đai, ngân hàng, doanh nghiệp... ông Nguyễn Thế Mạnh kiến nghị Nhà nước xây dựng chính sách thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các lĩnh vực; xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia tập trung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước khai thác các thông tin hỗ trợ phục vụ công tác.
Rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan Báo cáo của Cục Hải quan thành phố Hà Nội do Phó Cục trưởng Trần Quốc Định trình bày nêu rõ: Cục là đơn vị đầu tiên trong ngành Hải quan triển khai chính thức thành công, đảm bảo kỹ thuật cho hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS. Cuối năm 2016, việc làm thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương pháp điện tử tại tất cả các chi cục trên cơ sở áp dụng phương thức quản lý rủi ro kết hợp với thực hiện giám sát bằng các trang thiết bị kỹ thuật, thời gian thông quan được rút ngắn, chiếm 99% so với tổng số tờ khai phát sinh; kim ngạch chiếm 99,4% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư
ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với Cục Hải quan TP Hà Nội. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Cục đã triển khai thí điểm Hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại tất cả các đơn vị từ ngày 1/1 đến hết ngày 28/2 và chuyển sang vận hành chính thức kể từ ngày 1/3/2017. Hiện nay, hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại Cục được triển khai với 119/1 thủ tục ở cấp độ 3 theo Nghị định 43/2011/NĐ-CP (đạt 71%), trong đó có 114/1 thủ tục được thực hiện ở cấp độ 4 (đạt %). Cục thường xuyên công khai, niêm yết đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi, địa bàn quản lý và các quy định về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ hành chính, thời gian tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ theo cơ chế một cửa (năm 2016 giải quyết 1069 thủ tục qua bộ phận một cửa, trả kết quả các hồ sơ đúng thời gian quy định).
Tuy nhiên, Hải quan thành phố Hà Nội cũng thừa nhận công tác kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập nhất là từ phía các Bộ, ngành mà trước hết là việc chậm sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành làm ảnh hưởng lớn đến thời gian thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Số lượng thủ tục hành chính của các Bộ, ngành được thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia còn thấp, khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn phải đi lại nhiều lần. Tại địa điểm kiểm tra chuyên ngành ở Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các đơn vị chủ yếu thực hiện lấy mẫu hàng hóa, sau đó gửi mẫu về phân tích tại các phòng thí nghiệm trong trung tâm thành phố Hà Nội, do đó kéo dài thời gian thông quan hàng hóa...
Vấn đề mấu chốt là cải cách thủ tục hành chính Kết luận buổi làm việc tại Cục Thuế và Cục Hải quan thành phố Hà Nội, đoàn giám sát cho rằng việc thực hiện chương trình giám sát về nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan là thực sự là cần thiết, phù hợp và có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay. Kết quả của chương trình sẽ góp phần thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính nói chung, lĩnh vực thuế và hải quan nói riêng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở, giúp ngành tài chính, hải quan và thuế nhìn thấy những điểm chưa đạt để tiếp tục tập trung thực hiện cho được việc cải cách trong thời gian tới.
Theo Đoàn Giám sát, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã tập trung xây dựng các kế hoạch cải cách hành chính một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các khâu từ cải cách thể chế gắn với cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường thanh tra kiểm tra. Sự phục vụ của cán bộ thuế được nâng lên lấy doanh nghiệp người dân làm trung tâm cộng đồng qua đó tạo nhiều hiệu ứng tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là cần có sự thu thuế công bằng giữa các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp; kỷ luật, kỷ cương trong thu thuế cần được thực hiện nghiêm.
Tình trạng thất thu thuế cần được khắc phục vì hiện vẫn còn tồn tại hiện tượng doanh nghiệp nào cũng chậm nộp thuế để lấy nguồn tiền quay vòng. Để tạo được sự đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, vấn đề mấu chốt cần được ưu tiên hàng đầu là cải cách thủ tục hành chính. Vì vậy, Cục Thuế thành phố Hà Nội cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chủ trương chính sách về thuế, tăng cường công tác tuyên truyền công khai thủ tục hành chính thuế theo Nghị quyết 19, tạo chuyển biến trong nhận thức của người nộp thuế.
Bên cạnh đó, Cục cần thực hiện công tác thuế công bằng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực hiện nghĩa vụ đúng đủ; có biện pháp thích hợp với các đơn vị kinh doanh không tuân thủ pháp luật tránh thất thu thuế. Đặc biệt, cần đối thoại, lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao tinh thần, trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ thuế; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Cục đẩy mạnh việc kê khai nộp thuế qua mạng để rút ngắn thời gian; giảm phiền hà cho người dân doanh nghiệp trong hoàn thuế; có giải pháp chống thất thu thuế; tiếp tục phối hợp liên thông với các ngành trong thu thuế để đơn giản hóa thủ tục hành chính hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Đánh giá về kết quả sau ba năm thực hiện các Nghị quyết số 19 của Cục Hải Quan thành phố Hà Nội, Đoàn Giám sát nêu rõ: Cục đã chủ động, nỗ lực, sáng tạo để tự đổi mới với chính mình, thực hiện tối đa những mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết, như: lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm tối đa thủ tục thông quan… Tuy nhiên, báo cáo của Cục mới chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu là do cơ chế và trách nhiệm từ Bộ Tài chính, các cơ quan hữu quan mà chưa chỉ ra bất kỳ những tồn tại, hạn chế nội tại của đơn vị, nhất là trong triển khai cải cách thủ tục hành chính.
Để tạo được sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Cục Hải quan Hà Nội cần đẩy mạnh chỉ đạo quán triệt, phổ biến, triển khai các chương trình, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, tác phong ứng xử trong ngành Hải quan, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Thời gian tới, đoàn giám sát đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tổng hợp, phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho Cục Hải quan Hà Nội trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ; nghiên cứu trình Quốc hội, Chính phủ sửa đổi chính sách, pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
* Trước đó, Đoàn Giám sát đã khảo sát việc thực hiện thủ tục thuế của công chức thuế, các kết quả đạt trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục thuế tại Chi cục Thuế quận Đống Đa; kiểm tra quá trình thực hiện thủ tục hải quan của công chức hải quan tại các bước trong quy trình (chi tiết hồ sơ, thực tế hàng hóa, giám sát), các kết quả đạt trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội.