Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, cùng với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và thực thi. Chính vì vậy, việc gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại tại nhiều nước, khu vực thị trường xuất khẩu là điều khó tránh khỏi.
Trong khi đó, năng lực ứng phó với các rủi ro trong thương mại quốc tế của doanh nghiệp rất bất cập, một phần do nguồn lực hạn chế. Mặt khác, quy định về phòng vệ thương mại trong các FTA cũng gây ra những thách thức lớn nhưdoanh nghiệp có thể bị điều tra về bán phá giá, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều hơn.
Không những thế, do một phần không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại quốc tế chưa có ý thức hoặc sự hiểu biết đầy đủ về những nguy cơ nên không chủ động được các biện pháp để bảo vệ chính mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng như chưa kịp thời kiến nghị cơ quan nhà nước hỗ trợ, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và có thể còn bị mất thị phần.
Thống kê từ Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 12/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Riêng trong năm 2021, có 8 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc cũ đang tiếp tục điều tra và các vụ việc rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.
Theo Bộ Công Thương, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có những tác động tiêu cực. Hơn nữa, nếu hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại ở mức cao, sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu.
Để thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu bền vững, tránh bị áp thuế phòng vệ thương mại, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp phải có những thích ứng phù hợp với bối cảnh mới. Đặc biệt, nhằm chủ động đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải chịu khó tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong hiệp định, kể cả quy định về để có thể chuẩn bị, khai thác lợi ích mà các FTA đem lại.
Đáng lưu ý, doanh nghiệp cần chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với bạn hàng nước sở tại để cập nhật thông tin…
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp khi các nước tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về quy trình điều tra, kịch bản ứng phó.
Ngoài ra, trực tiếp cung cấp thông tin để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác; can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra nước ngoài khi phát hiện hoạt động điều tra không phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)...
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng vệ thương mạicủa Việt Nam cũng như của WTO và một số nước trên thế giới để nâng cao nhận thức, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sử dụng công cụ và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ theo dõi và nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ngăn chặn tình trạng lẩn tránh các biện pháp này. Đồng thời, theo dõi giá, thị trường các mặt hàng đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để có kiến nghị kịp thời.