Kể từ khi được phê duyệt, chương trình OCOP đã tạo ra một cú huých mạnh mẽ, mang lại triển vọng cho các thành phần kinh tế nông thôn tại tỉnh Cà Mau cùng tham gia.
Hiệu quả cao từ sản phẩm OCOP
Nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của những phụ nữ lành nghề, thời gian qua, sản phẩm bánh phồng tôm của Hợp tác xã Bánh phồng tôm Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Chị Trần Thị Trang, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết, quan tâm hàng đầu của chị em trong quá trình sản xuất là việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi yếu tố này không chỉ vì sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn quyết định sự thành hay bại của một thương hiệu.
Không những vậy, OCOP còn là động lực để những người trẻ quyết tâm vươn lên khởi nghiệp bằng chính những đặc sản của quê hương. Với ấp ủ quyết định khởi nghiệp bằng những đặc sản của quê hương Đầm Dơi, đôi vợ chồng trí thức trẻ Nguyễn Văn Miên và Trần Thị Xa, ngụ ấp Cây Kè, xã Quách Phẩm Bắc quyết tâm xây dựng thương hiệu mang tên “Ba khía Đầm Dơi”, đưa thương hiệu đặc sản Cà Mau bay xa với tiêu chí “sạch”. Vừa qua, anh Nguyễn Văn Miên đã làm hồ sơ và mong muốn sản phẩm “Ba khía Đầm Dơi” nhà mình sẽ trở thành sản phẩm OCOP trong tương lai.
Tại hội chợ hưởng ứng “Tháng khuyến mại tập trung Quốc gia 2020 - Vietnam Grand Sale 2020” (tháng 7) được tỉnh tổ chức mới đây, vợ chồng trí thức trẻ rất háo hức giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Chỉ mấy ngày đầu tham gia hội chợ, gian hàng của đôi vợ chồng trẻ lúc nào cũng “cháy” hàng. Đấy là động lực để hai bạn trẻ theo đuổi ước mơ. Hiện mỗi tháng hai vợ chồng anh Miên làm vài tấn ba khía, cao điểm có khi làm hơn 100kg ba khía/ngày. Đặc biệt, vào dịp tết, số lượng đơn hàng tăng lên gấp đôi và không khí sản xuất ngày càng nhộn nhịp, khẩn trương.
Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết thường xuyên thay đổi theo hướng bất lợi, từ đó đã gây nhiều thiệt hại đối với những hộ dân nuôi tôm, cua truyền thống. Trước thực tế đó, mô hình nuôi tôm, cua kết hợp nuôi sò huyết trên đất vuông tôm được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Việt Thắng, huyện Phú Tân áp dụng.
Ông Tô Văn Hoài, hội viên Hội Cựu chiến binh ở ấp Má Tám, xã Việt Thắng hiện là một trong những hộ nuôi sò huyết kết hợp trên đất nuôi tôm hiệu quả tại địa phương. Riêng vụ vừa qua, gia đình ông thả nuôi khoảng 400 kg sò giống. Qua 8 tháng nuôi, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi trên 40 triệu đồng.
“Sò huyết được thả nuôi hiệu quả nhất ở khu vực gần cống lấy nước. Tại đây, lượng phù sa nhiều và đó là nguồn thức ăn giúp sò phát triển nhanh, mà sò lại ít bệnh hơn”, ông Tô Văn Hoài chia sẻ.
Từ hiệu quả mô hình ban đầu, đến nay, trên địa bàn xã Việt Thắng có gần 50 hộ dân nuôi sò huyết theo mô hình kết hợp tôm, cua; trong đó tập trung nhiều nhất tại các ấp Má Tám, Kiến Vàng B, So Đũa và Bào Chấu.
Ông Nguyễn Việt Guôl - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Việt Thắng cho biết, mô hình nuôi sò huyết xen canh trong vuông tôm mở thêm một hướng đi mới cho người dân địa phương, từng bước phá bỏ thế độc canh trong nuôi tôm đang bấp bênh. Thời gian tới, địa phương sẽ có phương án quy hoạch vùng nuôi giúp đạt hiệu quả cao, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững,
Cơ hội tiếp cận nhanh với thị trường
Chương trình OCOP tập trung vào 6 ngành hàng, riêng tỉnh Cà Mau tập trung vào 3 ngành hàng thế mạnh là nông sản qua chế biến, các loại nước giải khát và các dịch vụ - sản phẩm du lịch. Hiện tỉnh Cà Mau có 6 nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho các sản phẩm đặc thù liên quan đến Chương trình OCOP là: mật ong U Minh, tôm khô Rạch Gốc, khô bổi Trần Văn Thời, mắm lóc Thới Bình, bồn bồn Cái Nước, cá khoai Cái Đôi Vàm. Năm 2020, tỉnh nỗ lực phấn đấu để trình làng 25 sản phẩm đạt tiêu chí OCOP.
Bên cạnh tiềm năng về điều kiện tự nhiên, tỉnh Cà Mau đã chủ động xây dựng nền nông nghiệp sạch, tạo tiền đề cho các mặt hàng nông sản của địa phương có cơ hội tiếp cận nhanh với thị trường.
Ông Tăng Thiện Tính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển phân tích, các mặt hàng OCOP phải đảm bảo nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, gắn liền với điều kiện thực tiễn của địa phương. Khi sản phẩm được công nhận sao OCOP có nghĩa đã chính thức trở thành sản phẩm hàng hoá đầy đủ tư cách để tham gia thị trường tiêu thụ.
Tỉnh Cà Mau hiện có 213 hợp tác xã đang hoạt động; trong đó, có 143 hợp tác xã nông nghiệp với trên 2.700 thành viên, mức thu nhập bình quân trên 110 triệu đồng/thành viên/năm. Hiện nay, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Cà Mau Đỗ Văn Sơ cho rằng, chương trình OCOP đã và đang tạo ra chuyển biến lớn trong khu vực kinh tế tập thể. Hiện đã đến lúc các chủ thể kinh tế nông thôn nghiên cứu giữa nội lực, điều kiện thị trường, cân bằng sản xuất những cái chủ thể có và thị trường cần; từ đó sáng tạo những mặt hàng, sản phẩm độc đáo, có giá trị, hình ảnh, thương hiệu và sức hút riêng biệt. Đây chính là cơ hội để tỉnh Cà Mau tái cấu trúc lại quy hoạch sản xuất theo hướng gia tăng chuỗi liên kết giá trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Văn Sử khẳng định, “thời gian qua, chương trình OCOP đã lựa chọn được các sản phẩm đặc trưng của từng vùng, từng địa phương đáp ứng yêu cầu trong nước và mục tiêu xuất khẩu. Qua đó góp phần vào thành công của công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên toàn tỉnh”.