Phóng viên TTXVN đã trao đổi với bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương về các giải pháp để tiếp tục nâng hạng năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới.
Thưa bà, đâu là những trụ cột giúp Việt Nam cải thiện được thứ hạng trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019?
Trong năm 2019, Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, lần đầu tiên Việt Nam tăng 10 bậc. Đây là thể hiện năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Và là một trong những thành tựu mà Việt Nam đạt được qua xếp hạng của thế giới. Trong 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá Việt Nam đã cải thiện 8/12 trụ cột tăng điểm, tăng bậc. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang có những cải thiện mạnh mẽ hướng tới một nền kinh tế sản xuất trong tương lai.
Việt Nam có những trụ cột tăng điểm mạnh chẳng hạn như về hạ tầng công nghệ thông tin, đó là những trụ cột giúp chúng ta tăng điểm tốt. 8 trụ cột này có thể kể đến là hạ tầng thông tin, ổn định về thị trường sản phẩm, quy mô thị trường hay thể chế cũng góp phần đưa chỉ số này tăng điểm. Tăng điểm có nghĩa là Việt Nam đã cải cách và nhờ đó chúng ta tăng điểm và tăng hạng, tăng 2,5 điểm và 10 bậc trong năm 2019.
Nhiều chuyên gia cho rằng thứ hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 là kết quả nỗ lực liên tục của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Xin bà có thể chia sẻ rõ hơn về những giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện để cải thiện thứ hạng này?
Những năm qua, nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những trọng tâm của Chính phủ. Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh hay các phiên họp Chính phủ đề cập nhiều về nội dung này. Có thể thấy, những cải cách rõ ràng tạo ra những thay đổi đột phá, chẳng hạn như cải cách về điều kiện kinh doanh.
Thời gian qua, theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ, ngành phải cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh. Thực hiện chỉ đạo này, các bộ, ngành đã ra soát và có phương án trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Nghị định để cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Cho đến nay, theo báo cáo của các bộ, 50% điều kiện kinh doanh được cắt giảm. Bên cạnh đó, một thủ tục quan trọng ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh là hoạt động quản lý chuyên ngành cũng được chú trọng cải cách. Những cải cách theo hướng thông lệ quốc tế quản lý rủi ro đã được áp dụng trong một số lĩnh vực quản lý, giúp môi trường kinh doanh thuận lợi và thông thoáng hơn.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh là áp dụng các giao dịch điện tử. Sử dụng các dịch vụ công trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả góp phần tạo ra những thay đổi này, đóng góp trực tiếp vào việc nâng hạng về năng lực cạnh tranh.
Thưa bà, trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam có 3 trụ cột tụt hạng, 1 trụ cột dậm chân tại chỗ; còn trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của WB năm 2019, Việt Nam lại bị tụt 1 bậc. Vậy theo bà đâu là những lý do chủ yếu?
Trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam có 8 chỉ số vừa tăng điểm vừa tăng bậc, cũng có nghĩa có 4 chỉ số bị giảm điểm hoặc giảm bậc hoặc giữ nguyên.
Trong 4 chỉ số, có chỉ số giữ được nguyên điểm số và thứ hạng là ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, có 2 chỉ số tuy tăng điểm nhưng không tăng bậc là chỉ số về thị trường tài chính và cơ sở hạ tầng. Việt Nam có cải thiện nhẹ về điểm số những cải cách được ghi nhận, song lại giảm bậc bởi các quốc gia khác có những thay đổi nhanh và mạnh hơn so với Việt Nam về những trụ cột đó. Trong 2 trụ cột đó, Việt Nam giảm bậc dù vẫn tăng điểm.
Một chỉ số vừa giảm điểm, giảm bậc là chỉ số về y tế, nhưng cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tương đối đơn giản bởi họ chỉ có một chỉ số duy nhất bên trong đó về tuổi thọ. Chỉ số tuổi thọ năm 2019 của Việt Nam có giảm một chút nên thứ hạng này cũng kéo theo giảm 3 bậc. Đấy là 4 chỉ số của năng lực cạnh tranh không thay đổi về thứ hạng, những giảm bậc.
Còn đối với chỉ số về môi trường kinh doanh năm 2019 trong xếp hạng của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam giảm một bậc, đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam giảm bậc. Việt Nam đang có xu hướng đi chậm hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên, nhìn vào điểm số, giá trị tuyệt đối, những ghi nhận cải cách, Việt Nam vẫn tăng điểm nhưng giảm bậc. Điều đó cho thấy, Việt Nam đang chậm cải cách hơn so với các quốc gia. Đơn cử trong ASEAN, các nước Thái Lan, Indonesia hay Brunei, họ có những cải cách đi theo cách thức Việt Nam đã làm nhưng, lại tiến nhanh hơn. Một năm họ đi được 19 bậc, thậm chí 20 bậc.
Nhưng trong chỉ số về môi trường kinh doanh, có những chỉ số, thủ tục nhiều năm Việt Nam không có sự cải thiện, như về thủ tục đăng ký tài sản nhiều năm chúng ta không có cải cách nào được ghi nhận. 5 năm liền Việt Nam không có cải cách nào trong thủ tục về đăng ký tài sản được ghi nhận. Hay chỉ số về phá sản doanh nghiệp cũng liên tục giảm bậc, thậm chí đứng cuối bảng xếp hạng, sau Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, thủ tục về khởi sự kinh doanh cũng là một trong những rào cản cần tiếp tục khắc phục để có thể cải thiện chỉ số về môi trường kinh doanh.
Theo bà, những “rào cản” như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay?
Những rào cản từ những xếp hạng của tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới hay Ngân hàng Thế giới giúp Việt Nam nhận diện đâu là những rào cản cần tìm kiếm những giải pháp khắc phục.
Về môi trường kinh doanh, Việt Nam không tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động đầu tư. Đầu tư ảnh hưởng rất nhiều tới cơ hội việc làm, tâm lý nhà đầu tư, xu hướng đầu tư và rõ ràng những thay đổi đó ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng nền kinh tế.
Bên cạnh đó, những yếu tố như thị trường tài chính của chúng ta còn kém, có những khoảng cách so với thế giới, hay những yếu tố về cơ sở hạ tầng cũng là những yếu tố đóng góp trực tiếp, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, nếu Việt Nam không khắc phục được những rào cản này, thì không những ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp là động lực tạo ra tăng trưởng.
Còn vấn đề về hạ tầng cũng đóng góp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và sự tăng trưởng thì phải được nhận diện để xem đâu là điểm cần tập trung để có những giải pháp khắc phục. Đây là mục tiêu để Việt Nam đạt tăng trưởng cao phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, những yếu tố này gợi cho chúng ta những thay đổi, cải cách cần phải thực thi.
Theo bà, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá nào để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?
Trong thời gian qua, Chính phủ có nhiều giải pháp hướng tới tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Một trong những giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là Chính phủ vẫn cần tiếp tục đặt trọng tâm thực hiện cải cách về môi trường kinh doanh.
Cải cách về môi trường kinh doanh, cụ thể là tiếp tục cải cách về điều kiện kinh doanh. Việt Nam đã rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nhưng liệu chất lượng cắt giảm hay doanh nghiệp có thực sự được hưởng những cắt giảm đó hay không. Hay Việt Nam mới chỉ cắt giảm trên giấy mà chưa rõ về việc thực thi. Vì vậy, Việt Nam phải tiếp tục giám sát chặt chẽ hơn việc thực thi những cải cách đó. Bên cạnh đó, những hoạt động quản lý chuyên ngành cũng cần được đầu tư nhiều hơn.
Hiện Chính phủ đặt trọng tâm nhiều, nhưng cải cách về quản lý chuyên ngành mới chỉ diễn ra ở một số ít bộ, ngành trong một số lĩnh vực cụ thể. Những cải cách này cần được tiến hành rộng rãi, sâu rộng hơn và được thực hiện ở hầu hết các bộ, ngành thì chúng ta mới kỳ vọng được sự thay đổi mang tính chất đột phá.
Một trong những điểm quan trọng của môi trường kinh doanh là ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch với cơ quan quản lý nhà nước và các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cũng cần Chính phủ ưu tiên trong hoạt động về môi trường kinh doanh.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những chính sách, cơ chế, thể chế mang tính chất vượt trội hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được chú trọng hơn nữa.
Ngoài ra, trụ cột về kỹ năng là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh. Những giải pháp về nâng cao kỹ năng của người lao động, chất lượng lao động cũng là một trong những yêu cầu cần được chú trọng trong thời gian tới để cải thiện môi trường kinh doanh cũng như đóng góp vào năng lực cạnh tranh quốc gia.
Xin cảm ơn bà!