Việt Nam tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh trong đánh giá của WEF

Trong "Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019", Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của một số nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và thương mại đang khiến kinh tế thế giới trở nên bất ổn, và có thể làm giảm tốc thương mại toàn cầu.

WEF xếp hạng Việt Nam là nền kinh tế có tính cạnh tranh thứ 67 thế giới trong năm 2019, với 61,5 điểm - tăng 10 bậc và tăng 3,5 điểm so với năm 2018. WEF cho rằng Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài để trở thành một trung tâm thương mại của khu vực.

Chú thích ảnh
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Xét về các hạng mục chính, Việt Nam xếp hạng khá cao về chỉ số Market Size (Quy mô thị trường) - đứng thứ 26. Các chỉ số còn lại giao động từ hạng 41 đến hạng 93. Về các chỉ số thành phần, Việt Nam nằm trong nhóm có nguy cơ khủng bố thấp nhất thế giới và lạm phát ổn định nhất thế giới. Cả hai hạng mục này Việt Nam đạt trọn vẹn 100 điểm.

WEF đánh giá Singapore là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới với 84,8 điểm. "Đảo quốc Sư tử" đã vượt Mỹ để đạt vị trí dẫn đầu trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ, do các "trận chiến thuế quan" giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã khiến lưu thông thương mại chuyển hướng qua các cảng biển ở Singapore.

Ngoài ra, nước này cũng đứng đầu danh sách về cơ sở hạ tầng, bao gồm chất lượng đường sá và hiệu quả của các cảng và sân bay. Chỉ số hệ thống tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô của Singapore cũng tăng xếp hạng. Mặc dù vậy, báo cáo của WEF cũng chỉ ra rằng "để trở thành trung tâm đổi mới toàn cầu, Singapore sẽ cần thúc đẩy tinh thần kinh doanh và cải thiện hơn nữa nền tảng kỹ năng của mình".

Mỹ rơi xuống vị trí thứ hai trong báo cáo của WEF - từ 85,6 điểm trong năm 2018 xuống 83,7 điểm trong năm 2019. Sự trượt dốc của Mỹ được cho là có một phần nguyên nhân liên quan những căng thẳng về thuế quan và các chính sách thương mại giữa nước này và các nước khác. WEF nhận định rằng Mỹ "vẫn là một cường quốc đổi mới" và nền kinh tế cạnh tranh thứ hai thế giới, mặc dù một số dấu hiệu rắc rối đã xuất hiện.

Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng 4 điểm để giành vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng, với số điểm 83,1. Trong khi đó, Hà Lan và Thụy Sĩ lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5.

Báo cáo của WEF được công bố thường niên, kể từ năm 1979. Báo cáo đo lường khả năng cạnh tranh trên thang điểm từ 0 đến 100 dựa trên các yếu tố bao gồm cơ sở hạ tầng, y tế, thị trường lao động, hệ thống tài chính, chất lượng của các tổ chức công cộng và mức độ mở cửa của nền kinh tế.

Thanh Phương (TTXVN)
Chuyên gia ANZ lạc quan về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam
Chuyên gia ANZ lạc quan về triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam

Việc Chính phủ Việt Nam cam kết cải cách kinh tế trên diện rộng là tín hiệu báo trước triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam và kỳ vọng gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập trung bình cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN