Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Varsi), nguyên nhân là các dự án, đặc biệt dự án giao thông như đường cao tốc có số vốn rất lớn, trong khi đó, doanh nghiệp cũng chỉ đầu tư được khoảng 20% vốn tự có, số còn lại phải vay vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại cũng cân nhắc vì muốn cho vay dự án PPP cũng phải tìm hiểu dự án này có khả năng hoàn vốn sớm hay không.
Tại Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra cho phép thí điểm việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước lên đến 70-80% đối với một số dự án đối tác công - tư (PPP) có tính đặc thù.
Hai dự án trong danh mục Chính phủ kiến nghị với Quốc hội thực hiện theo dự thảo Nghị quyết thí điểm trên là dự án đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Theo đó, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh tỷ lệ vốn góp nhà nước sẽ lên 70% và dự án đường ven biển Thái Bình tỷ lệ vốn góp nhà nước là 80%. Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, đây là những dự án có doanh thu và lưu lượng xe rất thấp. Nếu vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án này ở mức quy định hiện nay là 50% thì phương án tài chính sẽ không khả thi.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc nâng mức đầu tư lên 70% là một trong các giải pháp để thu hút các thành phần kinh tế khác đầu tư dự án hạ tầng giao thông.
Trên diễn đàn Quốc hội, cho ý kiến về việc tăng tỷ lệ góp vốn nhà nước lên 70% với các dự án đầu tư PPP, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đây là chủ trương đúng đắn, đặc biệt đối với các dự án có tính chất đặc thù.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình, các địa phương tuỳ từng hoàn cảnh có những đàm phán và tỷ lệ tham gia của nhà nước có thể dưới tỷ lệ tối đa cho phép. Chính phủ nên cân nhắc tăng tỷ lệ phần vốn nhà nước thực hiện các dự án PPP lên 80%.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng chủ trương nâng vốn nhà nước trong các dự án PPP cần quan tâm đến các dự án ở vùng sâu vùng xa.
Còn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà, đề nghị nghiên cứu các trường hợp dự án có lưu lượng giao thông ít, giải phóng mặt bằng khó, thì nên cho cơ chế nhà nước tham gia đến 70% để cùng với nhà đầu tư PPP thực hiện dự án.
Luật sư Lê Cao Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, những dự án đi qua các địa phương mà lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao nên khả năng thu hồi vốn thấp, các nhà đầu tư không quan tâm. Do đó, cần thiết nâng tỷ lệ vốn nhà nước với tỷ lệ bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 chiếm khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công chỉ khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nghĩa là nguồn vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư phát triển.
Như vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực xã hội vào các dự án trọng điểm của đất nước, qua đó tạo không gian, dư địa phát triển mới cho đất nước.