Đồng NDT giảm giá có thể tác động tới tình trạng dư cung trên thị trường than hiện nay trong bối cảnh động thái bất ngờ này của Bắc Kinh làm tăng cơ hội để Trung Quốc - nước nhập khẩu than lớn nhất thế giới - trở thành quốc gia xuất khẩu ròng về than. Điều này sẽ không hỗ trợ giá than thế giới, vốn ở mức thấp nhất trong gần một thập niên qua.Kiểm tiền NDT và USD tại ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây không phải là lần đầu tiên diễn ra hiện tượng đảo chiều này. Trung Quốc là một trong những nước xuất khẩu than nhiệt lượng cao lớn nhất thế giới cho đến khoảng năm 2004, khi sức tiêu thụ tăng mạnh trong nước đã dẫn tới nhu cầu nhập khẩu.
Trước đây, Trung Quốc được dự báo tiếp tục là nước nhập khẩu than khi đồng tiền của các nước sản xuất than lớn khác dự kiến giảm so với USD, trong khi NDT vẫn ổn định, khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc kém cạnh tranh hơn. Tuy vậy, đối mặt với một loạt số liệu kinh tế yếu kém, Trung Quốc đã giảm giá đồng NDT, dẫn tới những chỉ trích cho rằng là nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu của nước này một cách không công bằng.
Nhập khẩu than của Trung Quốc đã giảm mạnh trong năm 2015 do những lo ngại của chính phủ nước này về các tác động xấu tới môi trường của các nhà máy điện chạy bằng than đá và Bắc Kinh mong muốn hỗ trợ các nhà sản xuất than trong nước đang gặp khó khăn về tài chính.
Ngành than của Trung Quốc, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu năng lượng cơ bản của nước này và thu hút khoảng 6 triệu lao động, đã chịu sự giảm tốc của một số lĩnh vực như điện lực, xi măng và thép cũng như chiến dịch giảm thiểu ô nhiễm không khí.