Theo báo cáo lần hai về GDP quý I của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30/5, kinh tế nước này tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức ước tính 3,2% được đưa ra trong báo cáo lần đầu trong tháng trước, nhưng tăng nhanh hơn so với mức 2,2% trong quý IV/2018.
Trong khi đó, chỉ số lạm phát mà Fed theo dõi ở mức 1% trong quý trước, thay vì là 1,3% như trong báo cáo trước. Các nhà hoạch định chính sách Fed có thể tập trung nhiều hơn vào việc nhu cầu nội địa và lạm phát yếu tại cuộc họp vào tháng tới. Trong năm nay, Fed đã dừng tăng lãi suất, sau ba năm thực hiện chính sách thắt chặt.
Tăng trưởng xuất khẩu trong quý I được điều chỉnh tăng lên 4,8%, vượt qua mức tăng của nhập khẩu. Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tác động đến hoạt động mua hàng hóa dự trữ của doanh nghiệp, với mức tăng trưởng được điều chỉnh giảm từ 128,4 tỷ USD xuống 125,5 tỷ USD do lo ngại nhu cầu yếu.
Tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng, lĩnh vực đóng góp 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, được điều chỉnh tăng từ 1,2% lên 1,3%. Trong khi đó, đầu tư của doanh nghiệp cho thiết bị giảm 1%, thay vì tăng 0,2%, tình trạng yếu kém nhất kể từ quý I/2016. Đầu tư của chính phủ được điều chỉnh từ tăng 2,4% lên tăng 2,5%.
Sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Mỹ chủ yếu do tác động kích thích từ việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu trong năm ngoái giảm đi. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng tác động đến nền kinh tế.
Có những dấu hiệu cho thấy động lực đến từ xuất khẩu và dự trữ hàng hóa của doanh nghiệp đã yếu đi vào đầu quý II. Hoạt động chế tạo, doanh số bán lẻ, thị trường nhà ở và xuất khẩu đã giảm trong tháng Tư. Tốc độ tăng trưởng quý II được dự báo dưới mức 2%.
Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch Fed, Richard Clarida, cho biết Fed vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế, nhưng sẽ theo dõi những rủi ro tiềm ẩn và sẽ phản ứng nếu cần.