Từ cây lúa địa phương
Theo ông Phạm Huy Thái, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên, nếp thơm Hưng Yên là giống lúa quý mang nhiều đặc trưng nổi trội có năng suất cao, chất lượng ngon đặc biệt. Đây là giống lúa thuần, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên chọn lọc từ quần thể phân ly giống nếp Yên Mỹ của nông dân thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Nhiều năm nay, lúa nếp đã trở thành cây lúa chủ lực, góp phần nâng cao giá trị canh tác cho nhiều nông dân ở thị trấn Yên Mỹ. Ông Ngô Văn Long, thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ cho biết, bà con thị trấn Yên Mỹ có nghề hàng xáo lâu năm. Nhiều năm trước, lúa nếp đã được được trồng rất nhiều trên đồng ruộng bởi mang lại giá trị kinh tế cao hơn lúa tẻ. Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm thâm canh, bà con Yên Mỹ đã chọn được giống lúa nếp 415. Giống lúa này sau đó đã phân ly thành giống mới, trở thành giống của địa phương với tên gọi nếp Yên Mỹ.
“Điểm nổi trội của giống nếp Yên Mỹ là có hương thơm đặc trưng, gạo khi nấu thành xôi rất thơm, dẻo và bóng. Chính vì thế, gạo nếp Yên Mỹ bán rất chạy, giá cao, trở thành loại gạo địa phương đạt chất lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Long cho biết.
Theo nhiều nông dân ở thị trấn Yên Mỹ, giống nếp thơm Hưng Yên hiện nay có năng suất trung bình đạt 78 tạ tươi/ha, với giá bán trong các năm gần đây khoảng 8.000 đồng/kg thóc tươi nên mỗi sào cho thu nhập gấp từ 1,5 - 2 lần so với các giống lúa khác.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, giống nếp thơm Hưng Yên thương phẩm đều được thu mua tươi, người sản xuất không phải phơi sấy nên rất thuận lợi cho việc mở rộng diện tích.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng phòng Kỹ thuật và Dịch vụ, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, nếp thơm Hưng Yên là giống cảm ôn, thuộc nhóm ngắn ngày có thời gian sinh trưởng từ 125 - 130 ngày trong vụ Đông Xuân và từ 105 - 110 ngày vụ Hè Thu tại các tỉnh phía Bắc.
“Giống có kiểu hình đẹp, cây gọn, cứng, lá màu xanh nhạt; khả năng đẻ nhánh khỏe; chịu thâm canh cao; bông to, cổ bông không quá dài, hạt xếp hơi xít. Cùng với đó, chất lượng cơm gạo tốt, hạt gạo bầu tròn, xôi dẻo, đậm, có mùi thơm. Do đó, giống nếp thơm Hưng Yên được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh lựa chọn cho mùa vụ”, chị Tuyết chia sẻ.
Đến giống lúa quốc gia
Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên Phạm Huy Thái cho biết, từ năm 2013, lúa nếp thơm Hưng Yên đã được gieo cấy khảo nghiệm quốc gia, khảo nghiệm sinh thái ở hai vụ Đông Xuân và Hè Thu tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Qua khảo nghiệm, giống lúa này đạt năng suất chất lượng tốt, phù hợp với thổ nhưỡng nhiều vùng, ít chịu sâu bệnh, cứng cây, chống đổ tốt; thời gian sinh trưởng ngắn ngày nên gieo cấy được cả 2 vụ trong năm. Giống lúa này đã được công nhận là giống quốc gia theo Quyết định số QĐ số 202/QĐ-TT-CLT ngày 9/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, từ năm 2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã giao cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh thực hiện dự án chọn lọc, duy trì giống nếp thơm Hưng Yên và phục tráng duy trì một số giống lúa chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, giống nếp thơm Hưng Yên (G0, G1, G2) và một số giống lúa chủ lực sẽ được chọn lọc, duy trì với diện tích 3 ha/năm/giống. Đưa vào sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng nếp thơm Hưng Yên và nếp 415 với diện tích 32 ha/năm và 40 ha sản xuất hạt giống nguyên chủng, sản lượng đạt từ 150 - 200 tấn giống/năm.
Với những ưu thế vượt trội, đến nay giống lúa này đã vượt tầm địa phương. Từ năm 2020, diện tích sản xuất nếp thơm Hưng Yên đã được mở rộng ra các tỉnh như: Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Tuyên Quang... Mỗi năm, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên cung cấp khoảng 200 tấn giống cho các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, gạo nếp thơm Hưng Yên được sử dụng chế biến với lượng lớn, đặc biệt đã được xuất khẩu đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hàn Quốc… mở ra hiệu quả mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.