Nga có thể rút khỏi dự án Dòng chảy phương Bắc II

Đài phát thanh Ba Lan mới đây dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao nước này Witold Waszczykowski nói rằng Nga có thể từ bỏ việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc II.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 đoạn qua Lubmin, miền đông bắc Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan, Nga có thể từ bỏ việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc II do quyết định của Brussels liên quan đến đường ống dẫn khí đốt OPAL của Đức. OPAL là đường ống dẫn khí trên bộ tiếp nối tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc I.


Cho đến thời gian gần đây, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga mới chỉ khai thác cầm chừng đường ống dẫn khí OPAL, trong khi thường xuyên khiếu nại về khả năng vận hành hết công suất của đường ống này.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã “bật đèn xanh” cho việc khai thác 80% công suất thiết kế của đường ống dẫn khí đốt OPAL. Theo ông Waszczykowski, quyết định này của EC sẽ dẫn đến việc tăng nguồn cung khí đốt của Nga tới châu Âu, mặc dù EC đã nhiều lần tuyên bố về ý định giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu xanh từ Nga.

Ông Waszczykowski cho rằng chính vì thế mà Nga có thể rút khỏi dự án xây dựng Dòng chảy phương Bắc II. Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan nhấn mạnh: “Việc xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc thứ hai có thể không cần thiết. Công suất của Dòng chảy phương Bắc I sẽ được nâng lên, khí đốt sẽ được chuyển tới các nước Nam Âu theo đường ống OPAL. Do đó, Nga có thể từ bỏ việc xây dựng đường ống thứ hai và chỉ cần khai thác công suất hiện có của các tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc I và OPAL”.

Hiện nay, đường ống OPAL chạy từ phía Bắc nước Đức tới biên giới với CH Séc, nối Dòng chảy phương Bắc với hệ thống vận chuyển khí đốt của các nước láng giềng với Ba Lan. Điều này khiến công ty dầu khí PGNiG của Ba Lan bất bình.

Chủ tịch công ty này, ông Petr Voznjak, cho biết hiện ông chưa rõ những chi tiết cụ thể trong quyết định của Brussels, nhưng trong trường hợp cần thiết, ông sẵn sàng khiếu kiện quyết định này trong khuôn khổ luật pháp châu Âu và Đức.

Dòng chảy phương Bắc là dự án hợp tác giữa Nga và Đức để xây dựng hai nhánh đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy qua biển Baltic sang Đức không qua lãnh thổ Ukraine với tổng công suất 55 tỷ m3/năm.

Ngày 4/9/2015, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã ký một thỏa thuận về việc Nga sẽ gia tăng việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho EU thông qua đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Một loạt công ty Tây Âu đã ký kết với Tập đoàn Gazprom của Nga hợp đồng xây dựng tuyến đường ống trị giá 10 tỷ euro này.

Sau khi các thông tin về dự án này được công bố, Ba Lan, Slovakia và 7 nước Đông Âu khác đã kịch liệt lên tiếng phản đối dự án này. Theo lập luận của các nước Đông Âu, dự án này của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng cũng như mang lại “những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu”.

Ngọc Mai (P/v TTXVN tại CH Séc)
"Dòng chảy phương Bắc 2" gây lo ngại bất ổn địa chính trị
"Dòng chảy phương Bắc 2" gây lo ngại bất ổn địa chính trị

Lãnh đạo 8 nước châu Âu vừa qua đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker phản đối dự án mở rộng tuyến đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy phương Bắc", cho rằng việc thực hiện dự án có thể dẫn đến bất ổn địa chính trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN