Ngành điện phía Nam đã có những giải pháp cụ thể để ngăn ngừa, không để xảy ra tình trạng mất an toàn điện.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Ngay sau khi sự cố xảy ra ở tỉnh Long An, bên cạnh việc phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Tổng Công ty điện lực miền Nam (EVN SPC) đã tiếp tục chỉ đạo các Công ty điện lực thành viên tăng cường công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, phòng chống lụt bão trong các tháng cao điểm mùa mưa bão. Đồng thời, rà soát, kịp thời khắc phục hệ thống để ngăn ngừa sự cố, nhất là trong tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa thường xuất hiện cùng với gió, lốc xoáy và tình trạng cây xanh ngã đổ có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện.
Ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, Tổng Công ty điện lực TP Hồ Chí Minh (EVN HCMC) đã triển khai các việc này thường xuyên, liên tục. Cụ thể, đơn vị đã kiểm tra, phối hợp với các khu quản lý đô thị, công ty công viên cây xanh để xử lý các nguy cơ cây xanh, bảng quảng cáo, lều, lán… có khả năng ngã đổ, bay vào đường dây, trạm biến áp. Cùng đó, phối hợp với địa phương lập phương án ứng phó khi có cây ngã, đổ vào đường dây trung, cao thế cho một trong các tuyến dây trọng yếu của từng quận, huyện. Khi có sự cố trên lưới điện do các tình huống thiên tai thì EVN HCMC sẽ chủ động cắt điện để phòng tránh sự cố.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC, bên cạnh những giải pháp trên thì Trung tâm điều khiển từ xa của EVN HCMC cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc theo dõi, xử lý tự động ngay khi có sự cố về điện. Trung tâm này điều khiển toàn bộ lưới điện trên địa bàn toàn Thành phố bao gồm các trạm 110kV và các thiết bị đóng cắt trên lưới điện trung thế.
Hạt nhân của Trung tâm điều khiển là hệ thống SCADA/DMS để điều khiển từ xa toàn trạm cũng như hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động, hệ thống camera giám sát an ninh. Nhờ vậy, các sự cố nếu có sẽ được phát hiện và xử lý một cách nhanh nhất có thể.
Ngầm hóa lưới điện
Theo các chuyên gia, ngầm hóa lưới điện là một giải pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn điện, hạn chế các sự cố ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Tại TP Hồ Chí Minh, việc này được triển khai từ nhiều năm qua và đến nay đã đạt được hiệu quả. Tính đến tháng 6/2018, toàn thành phố đã ngầm hóa 2.748 km lưới điện trung thế (đạt 39%); trong đó, khu vực trung tâm đạt 93%. Hiện có 1.817 km lưới điện hạ thế được ngầm hóa (đạt 14%); trong đó, khu vực trung tâm đạt 32%.
Thực tế cho thấy, những nơi còn đường điện lộ thiên thường xảy ra những sự cố, trong khi mưa bão do cây xanh đổ vào đường điện, nhà dân cơi nới vi phạm hành lang an toàn lưới điện, chạm chập gây cháy hệ thống điện - cáp... EVN HCMC đang đẩy nhanh việc ngầm hóa lưới điện để đảm bảo an toàn, đề phòng tai nạn do điện từ đường điện lộ thiên.
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC cho biết, Tổng công ty đang thực hiện đúng tiến độ theo lộ trình ngầm hóa giai đoạn 2016-2020 là đạt tối thiểu 650 km trung thế và 1.150 km hạ thế. Đến năm 2020 tỷ lệ ngầm hóa khu vực nội thành (không gồm các huyện: Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh) dự kiến tỷ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế đạt 60%, riêng khu vực trung tâm quận 1 và quận 3 đạt khoảng 100%; tỷ lệ ngầm hóa lưới điện hạ thế (không tính ngõ hẻm) đạt 45%.
Tầm nhìn xa hơn, dự kiến đến năm 2025, khu vực trung tâm Thành phố, bao gồm các quận 1, 3 và một phần quận Bình Thạnh có tỷ lệ ngầm hóa lưới trung thế đạt 100%, lưới điện hạ thế đạt 80%; toàn Thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa từ 50 - 60% lưới trung thế và 35-40% lưới điện hạ thế. Sau khi ngầm hóa lưới điện xong, hệ thống trụ điện của lưới nổi trung thế trước đây sẽ được thay thế bằng các tủ phân phối điện hạ thế. Mỗi tủ phân phối điện cung cấp tối đa cho 8 hộ gia đình.
Để hoàn thành mục tiêu này, theo đại diện Ban Quản lý Dự án lưới điện phân phối EVN HCMC là đơn vị chịu trách nhiệm ngầm hóa lưới điện trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương đẩy mạnh việc tham vấn cộng đồng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, khảo sát, thiết kế, tạo sự đồng thuận, ghi nhận các ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong phạm vi thực hiện các dự án. Ngoài việc tổ chức tham vấn trước khi thi công, định kỳ mỗi năm, đơn vị cũng tổ chức báo cáo kế hoạch triển khai các công trình với UBND quận, UBND phường, tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương trong quá trình tham vấn và thi công.
Đồng thời, Tổng công ty cũng tăng cường giám sát chặt chẽ, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại công trường, xử lý, chấn chỉnh ngay những trường hợp nhà thầu để xảy ra sai sót, tồn tại, hạn chế tối đa các khó khăn phát sinh trong quá trình thi công; xử phạt các nhà thầu vi phạm hợp đồng như: chậm tiến độ, không đảm bảo vệ sinh môi trường, thi công không đúng thiết kế...
Có thể thấy, khi quá trình ngầm hóa toàn bộ lưới điện tại TP Hồ Chí Minh được hoàn thành không chỉ mỹ quan đô thị được nâng cao mà sự mất an toàn điện tới từ những đường điện, trụ điện lộ thiên khi có mưa bão sẽ không còn. Đây cũng là mô hình cần được nhân rộng trong cả nước, để những tai nạn thương tâm sẽ không còn xảy ra.