Tại tỉnh Lai Châu, tính đến ngày 27/6, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát, lan rộng ra 7/8 huyện và thành phố, chỉ còn lại huyện Than Uyên là chưa có dịch này.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 51 xã, 221 bản và trên 1.330 hộ thuộc các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Tân Uyên, thành phố Lai Châu đã có dịch tả lợn châu Phi; tiêu hủy khoảng 5.000 con lợn với trọng lượng hàng trăm nghìn kg; có khoảng 27.000 con lợn nguy cơ nhiễm dịch.
Huyện Mường Tè (Lai Châu) là địa bàn mới công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi từ 21/6 và hiện tại có 33 hộ dân của 8 bản thuộc 3 xã Bum Nưa, Kan Hồ, Vàng San có dịch tả lợn châu Phi. Huyện Mường Tè đã tiêu hủy khoảng 100 con; tổ chức 5 chốt của huyện và 12 chốt của xã để phun thuốc và kiểm soát vận chuyển gia súc ra, vào địa bàn.
Trước thực trạng dịch tả lợn châu Phi lan rộng ra các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cũng đã có công văn chỉ đạo các huyện, thành phố tập trung nguồn lực, vật lực cho phòng chống dịch bệnh. Các huyện có dịch chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng của huyện và chính quyền cơ sở tiếp tục triển khai các giải pháp khẩn cấp dập dịch và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng; hỗ trợ thiệt hại cho các hộ gia đình có gia súc mắc bệnh, chết và tiêu hủy theo quy định kịp thời và công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó các sở, ngành chuyên môn, huyện và thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi; tuyên truyền người tiêu dùng không quay lưng, tẩy chay thịt lợn sạch. Đội lưu động liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển động vật và các sản phẩm của động vật không rõ nguồn gốc vào địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tang vật theo quy định của pháp luật…
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã thành lập và duy trì các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn, đồng thời tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng phương tiện qua chốt. Tổng số chốt đã thành lập vào thời kỳ cao điểm là 79 chốt (4 chốt tỉnh, 75 huyện và thành phố), hiện nay giảm xuống còn 36 chốt.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu Phạm Anh Hùng cho biết, các cấp chính quyền đã quyết liệt thực hiện các giải pháp để phòng, chống, dập dịch, vì vậy thời điểm này đã có 26 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi.
Tại tỉnh Đắk Lắk, hiện dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, các cấp chính quyền cùng cơ quan chuyên môn đang tăng cường các biện pháp phòng chống, nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng.
Ông Thủy Lệ Vũ, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện dịch tả lợn châu phi đang diễn biến phức tạp nhất tại địa bàn huyện Ea Súp, trong những ngày qua liên tục phát hiện các ổ dịch mới tại xã Ea Rốc và Ea Lê. Tại các địa phương này, do ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân chưa cao, thường xuyên di chuyển đến những hộ chăn nuôi đã có dịch nhưng không có thiết bị bảo hộ, chưa tiêu độc khử trùng thường xuyên dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương có dịch huy động mọi nguồn lực để dập dịch. Tiêu hủy toàn bộ lợn bị bệnh trong vòng 24h kể từ khi phát hiện. Chính quyền cấp xã thành lập đội xử lý ổ dịch để tiêu hủy triệt để lợn mắc bệnh, không để xảy ra tình trạng vứt lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng theo quy định, tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Đối với các địa phương chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm ổ dịch; Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân, khi phát hiện có dấu hiệu lợn bị bệnh, nghi nhiễm bệnh cần báo cho chính quyền địa phương để kịp thời xử lý, nghiêm cấm việc bán chạy lợn khi phát hiện lợn bị bệnh hoặc có dấu hiệu bị bệnh.
Từ ngày 30/5, sau khi tỉnh Đắk Lắk bùng phát ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột, đến nay đã xuất hiện thêm nhiều ổ dịch tại các huyện Ea Súp, Ea Kar và Krông Pắk. Tính đến ngày 27/6, tỉnh Đắk Lắk phải tiêu hủy trên 1.000 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi của 77 hộ dân.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến chiều 28/6, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 60 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn bị tiêu hủy là trên 2,83 triệu con, chiếm hơn 10% tổng đàn lợn.