Ngăn chặn gian lận xuất xứ 

Gian lận xuất xứ sẽ tạo ra nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng xuất khẩu, làm giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gây dựng.  

“Được mùa” điều tra phòng vệ thương mại

Mới đây, ngày 16/12/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép CRS và thép CORE của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan-Trung Quốc.

Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng các mặt hàng thép mạ và thép cán nguội của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đáng kể của Hoa Kỳ và do đó bị coi là lẩn tránh thuế và bị áp mức thuế lên đến 456%. 

Bên cạnh thép, mặt hàng thủy sản cũng bị cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán giá giá. Cụ thể, tháng 6/2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Công ty Minh Phú), một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam bị cáo buộc mua tôm Ấn Độ và chế biến qua tại Việt Nam trước khi xuất sang Mỹ nhằm trốn thuế chống bán phá giá đang áp cho tôm nhập khẩu từ Ấn Độ. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam trong lĩnh vực nông sản, giầy dép… cũng bị phản ánh.

Chú thích ảnh
Thép là một trong những ngành đối mặt nhiều nhất với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN.

Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương), thực tế hiện nay đang có rất nhiều dạng gian lận xuất xứ, từ đơn giản như doanh nghiệp làm giả Giấy xác nhận của địa phương hoặc giả nhà sản xuất cung cấp nguyên vật liệu, đến việc cắt dán con dấu giả nhằm qua mặt cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài để xuất khẩu hàng hóa trót lọt.

Bà Hiền cho biết, có doanh nghiệp dù chỉ nhập khẩu ghi là nguyên liệu, nhưng khi xuất khẩu chính sản phẩm đó mà không hề có bất kỳ sự gia công, chế tác nào hoặc gia công thêm một công đoạn nhỏ, nhưng lại được ghi là thành phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, riêng trong năm 2019 đã có hơn 150 vụ việc khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (30 vụ, chiếm 19%); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ, chiếm 14%); thứ ba là Ấn Độ (20 vụ, chiếm 13%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm 9%). 

Gian lận xuất xứ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu

Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2000 đến nay, số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng. Trong đó, rất nhiều vụ liên quan đến gian lận xuất xứ hàng hóa.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp từ các quốc gia khác qua Việt Nam để xuất khẩu… chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài doanh nghiệp có hành vi bất chính. Tuy nhiên hành vi này đã làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ quy định của các quốc gia xuất khẩu. Đồng thời, gian lận xuất xứ sẽ là nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng xuất khẩu, làm giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gây dựng.

Theo ông Trung, các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Bởi đây là những công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới cho phép để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tránh bị thiệt hại từ hàng hoá nhập khẩu. Hiện nhiều nước đã áp dụng biện pháp này đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 phê duyệt ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đề án là một hành động, bước đi kịp thời, đúng đắn để sớm ứng phó, giải quyết vấn đề này. Bộ Công Thương cũng đang tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã chuẩn bị danh mục 25 mặt hàng cảnh báo sớm tới các cơ quản lý địa phương để tăng cường giám sát.

Cùng với đó, các chuyên gia nhấn mạnh, các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý địa phương cần nâng cao nhận thức về vấn đề này, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải
bất hợp pháp. Doanh nghiệp cần nắm vững quy định về xuất xứ, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro; tuân thủ pháp luật thương mại, pháp luật cạnh tranh quốc tế… Khi xảy ra các vụ việc cần có sự hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra, Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng để làm rõ thông tin.

Thu Trang/Báo Tin tức
Cạnh tranh ngành thép: Áp lực sẽ tiếp tục gia tăng
Cạnh tranh ngành thép: Áp lực sẽ tiếp tục gia tăng

Trước các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA), ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới trong năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN