Cụ thể, ngày 22/10, khi đang đi qua cầu Hiếu, thị xã Thái Hòa, người dân phát hiện có một bì tải vứt trên cầu. Nghi ngờ là rác thải, một số người dân đã mở ra xem thì phát hiện bên trong có chứa xác một con lợn.
Ngày 8/10, người dân xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, phát hiện nhiều xác chết của lợn nổi trên sông Đào do ai đó vứt xuống sông.
Ngày 5/10, người dân phát hiện xác chết của lợn bị vứt trôi trên sông trên địa bàn xã Lăng Thành, huyện Yên Thành. Xác lợn vứt bừa bãi còn được người dân phát hiện tại một số xã ở huyện Nam Đàn, Đô Lương…
Điều đáng nói, dịch tả lợn châu Phi đang phát triển mạnh trên địa bàn Nghệ An. Tại những địa phương phát hiện có xác lợn vứt bừa bãi là những địa phương nằm trong vùng dịch hoặc giáp ranh với những địa phương đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Không chỉ vứt xác lợn bừa bãi, tại nhiều địa phương trong tỉnh còn xuất hiện tình trạng vận chuyển, tiêu thụ lợn, thậm chí giết mổ, bán thịt lợn ngay trong vùng có dịch.
Ngày 22/10, lực lượng chức năng ở thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông) phát hiện bắt giữ xe ô tô 37V 3352 chở theo 10 con lợn, tổng trọng lượng 1,5 tấn và xe ô ô 37C 06975 chỏ 12 con lợn, tổng trọng lượng 2,4 tấn (cả hai xe xuất phát từ xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn). Thời điểm phát hiện, Thị trấn Con Cuông đang xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nghiêm cấm việc vận chuyển lợn ra vào vùng có dịch, nhưng cả 2 xe ô tô này vận chuyện lợn vào vùng có dịch để tiêu thụ.
Việc vứt xác lợn bừa bãi và vận chuyển lợn ra vào vùng có dịch là việc làm vi phạm, là nguyên nhân làm lây lan, phát triển dịch đến các địa phương khác. Ngành thú y Nghệ An và các địa phương đã có nhiều cảnh báo đến các hộ chăn nuôi về những hành vi sai trái này, tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa được chấm dứt.
Theo cơ quan thú y, nhiều hộ dân đã lén lút hoặc lợi dụng đêm khuya, rạng sáng để vận chuyển lợn chết hoặc lợn bệnh, sắp chết đi vứt bỏ mà không tuẩn thủ đúng quy định của ngành thú y và chính quyền địa phương là phải thông báo và tiêu hủy đúng quy định.
Tỉnh Nghệ An đang triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên, tuy nhiên, hiện nay việc ngăn chặn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do lực lượng thú y mỏng, trong khi địa bàn rộng; ý thức của nhiều hộ chăn nuôi hạn chế, có tình trạng giấu dịch, không khai báo, tiêu hủy đúng quy định khi lợn bị bệnh. Mặt khác, chế tài xử lý của ngành thú y và chính quyền địa phương đối với những trường hợp vứt lợn chết, lợn bệnh chưa đủ mạnh.
Tại Nghệ An dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 17.600 hộ, 2.290 xóm, 336 xã, 21 huyện, thành, thị; tổng số lợn đã tiêu hủy 80.9 con, với tổng trọng lượng 4.013.194 kg, chiếm 2,36% tổng sản lượng lợn của cả tỉnh. Hiện nay, dịch đang diễn biến phức tạp tại một số xã thuộc các huyện: Đô Lương, Yên Thành, Hưng Nguyên Nghi Lộc, Thanh Chương...
* Tại tỉnh Bạc Liêu, hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn ở tỉnh có chung yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh này sớm chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại bệnh dịch tả lợn châu Phi, bởi nhiều hộ đang rất cần nguồn vốn đầu tư tái sản xuất, ổn định cuộc sống kinh tế gia đình.
Theo người chăn nuôi tỉnh Bạc Liêu, đàn lợn của các hộ mắc bệnh, buộc tiêu hủy đến nay khoảng 5 tháng qua. Nhiều người cho biết, chăn nuôi lợn là mô hình sản xuất, tạo ra nguồn thu nhập chính của gia đình. Một khi đàn lợn mắc bệnh, tiêu hủy cũng đồng nghĩa với cuộc sống kinh tế gia đình họ gặp khó khăn. Người dân mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để có điều kiện đầu tư sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình, bởi tái đàn lờn thì chưa dám, do dịch bệnh chưa được khống chế triệt để.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, nguyên nhân chậm chi trả tiền hỗ trợ bệnh dịch tả lợn châu Phi cho người chăn nuôi là do khâu thống kê, tập hợp số lượng lợn chết, tiêu hủy ở một số địa phương có chậm; mặt khác, địa phương chờ cơ quan chức năng ban hành chủ trương chung, để chi trả cho hợp lý, đúng quy định pháp luật.
Theo ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố đã báo cáo đề xuất Sở Tài chính xem xét trình UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ đợt I khoảng 55 tỷ đồng. Sở đã có Báo cáo số 412/BC-SNN ngày 15/10/2019, về việc thống nhất khối lượng lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh gửi Sở Tài chính xem xét sớm trình UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ đợt I theo đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn cuối tháng 5 vừa qua. Tính đến ngày 15/10, dịch bệnh đã xảy ra khoảng 3.800 hộ, ở 422 khóm, ấp của 63 xã, phường, thị trấn thuộc 7/7 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số lợn bệnh, chết và tiêu hủy hơn 44.650 con, tương đương hơn 3 nghìn tấn.