Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng; đồng thời hướng dẫn nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng ngừa loài côn trùng này tiếp tục lan rộng...
Tính đến chiều 30/5, diện tích cây trồng bị châu chấu gây hại là 11,6 ha. Châu chấu gây hại trên rừng vầu, tre, ruộng lúa, ngô… Cụ thể, tại 2 thôn là Ba Biển, Thâm Khon, xã Thiện Hoà, châu chấu gây hại cục bộ tại bờ tre ven suối, một số ruộng lúa, ngô, diện tích nhiễm khoảng 1ha; mật độ trung bình 50-60 con/m2; cao 100-120 con/m2. Tại thôn Yên Hùng xã Thiện Hoà, châu chấu gây hại trên rừng vầu, tre. Mật độ 100-150 con/bụi, cao 200-400 con/bụi. Diện tích nhiễm khoảng 10 ha. Hiện tại một số diện tích châu chấu đã ăn trụi lá tre và di chuyển đi nơi khác, xuống ăn lá tre ở bờ suối, lúa, ngô...
Còn tại các xã như Đại Đồng, Khánh Long, huyện Tràng Định, châu chấu gây hại trên cây ngô, mật độ trung bình 30-50 con/m2, cao 80-120 con/m2, cục bộ 150-200 con/m2. Diện tích bị nhiễm 0,6 ha; diện tích phòng trừ 0,6 ha. Theo cơ quan chuyên môn địa phương, mật độ châu chấu trong ngày 30/5 đã giảm so với ngày 29/5. Trung bình 30-50con/m2, nơi cao 80-120 con/m2; cục bộ 150-200 con/m2.
Để ngăn châu chấu tre lưng vàng lan rộng, gây hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện hướng dẫn nông dân tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc như Gà nòi 95SP, Patox 95SP, Wavotox 585 EC,Wamtox... Đồng thời tổ chức thành các tổ, đội dịch vụ phun tập trung, dùng bình phun ắc quy hoặc máy động cơ phun bao vây xung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực. Cùng với phun thuốc trừ sâu chuyên dụng, người dân đã kết hợp dùng vợt bắt để ngăn châu chấu phá hoại cây trồng, hoa màu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, dự báo trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào là điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của châu chấu, tiềm ẩn nguy cơ hình thành những ổ dịch gây hại cho nhiều loại cây trồng. Vì vậy, đối với địa bàn đang xuất hiện châu chấu gây hại cần thực hiện phun trừ bao vây các ổ dịch bằng thuốc hóa học. Sau khi phun, các lực lượng tiếp tục phối hợp rà soát để xác định diện tích nhiễm, tuyên truyền người dân thường xuyên thăm đồi rừng, thăm đồng để phát hiện kịp thời, báo chính quyền cơ sở, cơ quan chuyên môn có biện pháp xử lý và tuyên truyền người dân chủ động phun trừ khi phát hiện diện tích cây nông nghiệp bị nhiễm châu chấu.
Rừng vầu, tre là diện tích rừng tự nhiên, cây chằng chịt, rậm rạp, không có lối đi rất khó khăn trong việc phun trừ, cần ưu tiên phun trừ trước những diện tích rừng bị châu chấu gây hại với mật độ cao có đường đi. Đối với địa bàn giáp ranh có nguy cơ châu chấu di chuyển khi hết nguồn thức ăn cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, dự báo khả năng phát sinh, phát triển của loài châu chấu, chủ động phương án phòng trừ kịp thời; theo dõi, xác định vị trí di chuyển của châu chấu tre để có biện pháp xử lý.
Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hạt Kiểm lâm, khuyến nông viên, cán bộ nông lâm cơ sở... phối hợp tăng cường kiểm tra, thông tin tuyên truyền về mức độ nguy hại của châu chấu tre và hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra đồi rừng, đồng ruộng, khu vực bìa rừng, khe dọc, nhằm phát hiện sớm và phòng trừ hiệu quả các ổ dịch.
Trước hiện tượng châu chấu tre lưng vàng phát sinh, gây hại cho cây trồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cử cán bộ kỹ thuật khẩn trương kiểm tra hiện trường, hướng dẫn nhân dân các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của đàn châu chấu đến hoa màu, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.