Tọa lạc tại khu trung tâm Manhattan), VPĐD của Vietcombank là VPĐD đầu tiên của một ngân hàng thương mại Việt Nam hiện diện tại thị trường Mỹ sau khi nhận được giấy phép hoạt động chính thức do Sở Quản lý Tài chính Tiểu bang New York cấp ngày 17/6/2019 và trước đó được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phê duyệt hồ sơ xin cấp phép thành lập vào ngày 26/10/2018.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, cùng đại diện nhiều ngân hàng và đối tác trong và ngoài nước của Vietcombank đã tham dự sự kiện.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, cho biết sự kiện này khẳng định những nỗ lực vượt bậc của Vietcombank trong đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để phát triển theo chiến lược đã đề ra đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, và một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.
Ông cũng cho rằng việc một ngân hàng thương mại của Việt Nam vượt qua được những điều kiện khắt khe để được các cơ quan quản lý Mỹ cấp phép hoạt động cho thấy các thị trường phát triển đã có những nhìn nhận, đánh giá tích cực đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam trong đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.
Trả lời phỏng vấn TTXVN, luật sư Timothy J. Byrne, công ty luật Shearman & Sterling, đơn vị tư vấn cho Vietcombank xin giấy phép mở VPĐD tại New York, cho biết việc Vietcombank có được giấy phép hoạt động tại Mỹ không phải là việc dễ dàng bởi điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải có hệ thống giám sát ngân hàng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế đồng thời chính Vietcombank phải là ngân hàng có được hệ thống quản lý rủi ro tốt để có thể hoạt động hiệu quả và an toàn không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các thị trường quốc tế. Luật sư Byrne nhấn mạnh: “Chúng tôi đã giúp chứng minh điều đó cho các nhà quản lý Mỹ”,
Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trưởng (đạt 50,8 tỉ USD vào cuối năm 2017; 58,8 tỷ USD vào cuối năm 2018 và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 với kim ngạch xuất nhập khẩu đã lên đến 35,4 tỷ USD).
Việt Nam hiện xếp thứ 9 về xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Mỹ. Cùng với việc thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Mỹ, Vietcombank kỳ vọng VPĐD tại New York sẽ là một kênh hiệu quả hỗ trợ ngân hàng phát triển kinh doanh tại thị trường nhiều tiềm năng này.
Vietcombank cho biết VPĐD New York sẽ thực hiện các chức năng như kết nối với khách hàng hiện hữu và tiềm năng tại thị trường Mỹ, thực hiện báo cáo phân tích thị trường và ngành tài chính - ngân hàng, hỗ trợ duy trì quan hệ với các định chế tài chính tại Mỹ, tham dự hội nghị, hội thảo kinh doanh để thiết lập các mối quan hệ nhằm hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của Vietcombank cũng như tạo cầu nối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp là đối tác của Vietcombank trong các quan hệ đầu tư, kinh doanh tại thị trường Mỹ.
Vietcombank hiện là ngân hàng thương mại có hiệu quả kinh doanh dẫn đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt, kể từ năm 2015 (năm đầu tiên thực hiện Đề án cơ cấu lại) đến nay, Vietcombank đã tạo được nhiều bứt phá như đạt quy mô tổng tài sản đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm 2015; quy mô lợi nhuận tăng gấp 3 lần, cao nhất ngành ngân hàng; chất lượng tài sản được quản trị thực chất với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%; cơ cấu hoạt động chuyển dịch mạnh mẽ với hệ thống mạng lưới trong và ngoài nước phát triển mở rộng với trên 550 chi nhánh, phòng Giao dịch, VPDD và đơn vị thành viên.
Trong tháng 10/2019 Vietcombank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận thành lập Chi nhánh tại Australia.