Ngân hàng hạ trần lãi suất còn 13%: Toan tính trước giờ G

Trước thông tin Ngân hàng nhà nước (NHNN) có thể sẽ hạ trần lãi suất huy động xuống còn 13%, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã chuẩn bị tính toán lại lãi suất để áp dụng biểu phí mới. Trong khi đó, các DN và người dân cũng rục rịch các động thái nhằm “tranh thủ trước giờ G” để có thể hưởng mức lãi suất có lợi.

Chạy nước rút

Ngay sau khi Chính phủ chỉ đạo hạ lãi suất vào chiều ngày 6/3, các ngân hàng nước ngoài đã ngay lập tức áp dụng biểu phí mới. Đi tiên phong là Ngân hàng ANZ Việt Nam với mức lãi suất huy động tối đa chỉ là 13%/năm. Tiếp đến là Ngân hàng Shinhan Việt Nam, trong đó mức lãi suất huy động bình quân của đa phần các kỳ hạn là 12,8%, mức cao nhất là 13% cho các khoản tiền gửi từ 1 đến 3 tháng.

Người dân tranh thủ gửi tiền trước giờ G để hưởng lãi suất 14%/năm.


Trong khi các ngân hàng nước ngoài thực hiện đúng thông điệp của NHNN thì các ngân hàng trong nước lại điều chỉnh ở mức giao động từ 13-14% tùy theo các kỳ hạn, như ngân hàng Eximbank, Phương Đông, ACB... Thậm chí, có ngân hàng vẫn giữ nguyên mức lãi suất thỏa thuận cao hơn 14% với mức tiền gửi 500 triệu đồng trở lên nhằm níu kéo khách trước giờ G, chủ yếu là ngân hàng nhỏ. Trước tình hình trên, nhiều người dân chưa gửi tiền đã tranh thủ tìm đến những ngân hàng chưa hạ lãi suất để gửi, hoặc làm lại sổ để tăng thời gian gửi hưởng lãi suất 14%.

Chị Ngọc Châu, ngụ tại phường 25 - quận Bình Thạnh cho hay: “Đầu tháng 2, tôi gửi hơn 200 triệu đồng ở ngân hàng ABBank với mức lãi suất linh hoạt 14%/năm, kỳ hạn 1 tháng. Theo biểu lãi suất này, nếu tháng tiếp theo tăng hay giảm lãi suất, tôi sẽ hưởng mức đó. Tuy nhiên, sắp tới mức lãi suất trần chỉ còn 13%/năm nên tôi tranh thủ tới ngân hàng làm lại sổ tăng kỳ hạn lên 3 tháng”. Tương tự, từ ngày 7/3 đến nay, tại các NHTM khác cũng chộn rộn người đến gửi tiết kiệm, ít có trường hợp rút tiền.
Không chỉ người dân mà ngay cả doanh nghiệp cũng tranh thủ nước rút trước giờ G để hưởng lãi suất vay hấp dẫn. Theo đó, nhiều doanh nghiệp xoay vốn tất toán số nợ cũ, vay mới để hưởng lãi suất vay ưu đãi từ 17 - 19%/năm. Anh Chi Bảo - chủ doanh nghiệp tư nhân, khách hàng của ngân hàng SHB cho biết: “Tôi vừa mới đáo hạn xong, vay lại được lãi suất 18%/năm. So với lãi suất cũ, thấp hơn đến 6%”.

Theo TS Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, sở dĩ các doanh nghiệp đổi kỳ hạn vay sang kỳ hạn ngắn hơn vì giảm lãi suất huy động sẽ kéo lãi suất cho vay giảm theo. Đây là tín hiệu mừng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có mức lãi suất vay thấp nhất vẫn khó. Vì vậy, điều quan trọng lúc này là doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay giá rẻ hay không.

Lãi suất 13% vẫn còn cao

Cũng theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, việc giảm 1% lãi suất huy động xuống còn 13%/năm vẫn chưa thỏa đáng, còn quá cao. Nếu so với lãi suất USD, thì lãi suất VND cao hơn đến 7%.

Thực tế trong thời gian qua, người dân luôn xem kênh tiết kiệm ngân hàng là kênh đầu tư chứ không phải là kênh giữ tiền an toàn tuyệt đối. Vì thế, khi lãi suất về 14%, người ít tiền thì cho rằng không đủ tăng lợi nhuận, người nhiều tiền lại xem là đầu tư hấp dẫn. Một bài tính đơn giản cho thấy, với 1 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm lãi suất 14%, mỗi tháng người gửi sẽ được hưởng lãi 11,6 triệu đồng. Trong khi đó, người vay lại phải chịu thiệt thòi khi lãi suất cho vay cao. Như vậy, việc giảm 1% lãi suất huy động vẫn chỉ giúp một phần nhỏ cho doanh nghiệp khi hưởng mức lãi suất vay thấp hơn tương ứng.

Mặt khác, việc cào bằng trần lãi suất huy động sẽ làm mất tính hấp dẫn cho các ngân hàng nhỏ, nhất là khi Chính phủ đưa ra hạn mức tín dụng cho 4 nhóm ngân hàng. Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, sẽ có nguy cơ “sóng ngầm đi đêm” lãi suất. Theo đó, khi hạ trần lãi suất, các ngân hàng lớn sẽ thu hút một lượng khách hàng từ ngân hàng nhỏ sang.

Theo ông Hiển, để kiểm soát mức lãi suất ổn định và tăng tính cạnh tranh giữa các ngân hàng, nên chăng NHNN chia mức lãi suất huy động tùy theo từng nhóm ngân hàng. Đồng thời, NHNN cũng phải cam kết đảm bảo tài sản cho người dân khi gửi ở bất cứ ngân hàng nào. Có như thế, lãi suất cho vay mới có thể giảm tới mức hợp lý để doanh nghiệp có thể vay và lưu thông sản xuất.

Dù vậy, với mức giảm lãi suất huy động như hiện nay, trong quý I và II, lãi suất cho vay vẫn khó có thể giảm mạnh. Bởi hiện nay, các NH chỉ có thể giảm lãi suất từ từ để duy trì lợi nhuận có thể. Theo đó, nếu DN nào chấp nhận vay lãi suất cao hơn mức ấn định thì DN đó sẽ có nhiều hơn cơ hội được vay vốn.

Vì vậy, chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận định, DN nhỏ và vừa không nên quá kỳ vọng sẽ vay được lãi suất thấp trong thời điểm này. Trước mắt, đây chỉ mới là điểm khởi đầu để tăng thanh khoản cho các NH. Khả năng cuối quý II, khi vốn bắt đầu tăng lên, lãi suất huy động giảm ở mức ổn định thì các DN trên mới có thể thật sự tiếp cận được vốn giá rẻ.

Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN