Theo đó, các ngân hàng thương mại thống kê dư nợ cho vay thuộc các nhóm ngành, lĩnh vực được hỗ trợ và rà soát khách hàng thuộc diện hỗ trợ đã giải ngân, chấp thuận cho vay từ ngày 1/1/2022 đến nay. Trường hợp khách hàng đủ điều kiện theo quy định, ngân hàng thực hiện thông báo và hỗ trợ khách hàng làm thủ tục theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý các ngân hàng thương mại phải kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay theo đúng mục đích sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất. Qua đó, theo dõi, lưu trữ hồ sơ, hạch toán, thống kê các khoản vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ lãi suất phải thực hiện chế độ báo cáo nghiêm túc, minh bạch về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, từ đó có những tháo gỡ vướng mắc khó khăn nếu có.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, kể từ cuối tháng 6/2022 đến nay, việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do hầu hết các ngân hàng đều thông báo không còn hạn mức tín dụng, phải chờ tới khi được cấp thêm hạn mức. Việc tiếp cận gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 2% còn khó khăn hơn, do nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng không đủ điều kiện cho vay về dòng tiền, tài sản thế chấp… Trong khi, một số ngân hàng lại bày tỏ e ngại rắc rối liên quan đến thủ tục quyết toán hỗ trợ từ ngân sách.
Tại buổi kết nối giữa ngành ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, các doanh nghiệp khi gặp khó khăn vướng mắc liên quan lĩnh vực ngân hàng thì có thể liên hệ các Sở ngành chủ quản hoặc chính Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh để kịp thời phối hợp tháo gỡ.
Trong quá trình này, nếu vướng mắc liên quan cơ chế chính sách, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước xem xét, điều chỉnh. Nếu vướng mắc thuộc về ngân hàng thương mại, cán bộ ngân hàng gây khó khăn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận xử lý.
Tuy nhiên, trường hợp vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, tài chính, sổ sách kế toán không minh bạch, sử dụng vốn vay sai mục đích…. thì doanh nghiệp phải tự hoàn thiện, thay đổi để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cũng như các cơ chế chính sách hỗ trợ được thuận lợi.
Tính đến cuối tháng 6/2022, tín dụng trên địa bàn tăng hơn 10% so với cuối năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất so với cùng kỳ trong 3 năm gần đây, cao hơn mức chung của toàn hệ thống, phù hợp với xu hướng phục hồi của nền kinh tế nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng.
Trong thời gian tới, ngành ngân hàng trên địa bàn sẽ tập trung triển khai thực hiện các chương trình tín dụng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế trên địa bàn.