Theo đó, Vietcombank áp dụng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 3 tháng kể từ ngày 1/5 đến hết 31/7/2023. Chương trình không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…
“Ước tính sẽ có hơn 600.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank với khoảng 110.000 khách hàng được giảm tiếp lãi suất cho vay trong đợt này. Động thái trên nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân”, đại diện Vietcombank cho biết. Mới đây nhất, Vietcombank đã triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay áp dụng trong 4 tháng, từ 1/1/2023 đến hết 30/4/2023.
Nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, nhà ở; đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN, Agribank triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Theo đó, Agribank tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trên lãi suất vay thực tế từ ngân sách Nhà nước (NSNN) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Chương trình áp dụng đối với các Thoả thuận cho vay và giải ngân từ ngày 01/01/2022 đến 31/12/2023 và đối với nghĩa vụ trả nợ lãi tại các kỳ hạn trả nợ lãi mà thời điểm trả nợ phát sinh từ ngày 20/5/2022 đến 31/12/2023.
Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP, lãi suất ưu đãi áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm và đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 01/7/2023, định kỳ 06 tháng/lần, Agribank sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi triển khai chương trình. Chương trình triển khai từ ngày 03/4/2023 đến khi doanh số giải ngân đạt 30.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030. Thời gian ưu đãi lãi suất đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu, đối với người mua nhà là 5 năm.
“Đối tượng vay vốn theo chương trình là chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định”, đại diện Agribank cho biết.
Phía Agribank cũng dành 10.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi dành cho CBCNV ngành y tế. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn đến 1,5%/năm so với lãi suất hiện hành, tùy từng thời hạn vay. Thời gian triển khai áp dụng đối với các khoản giải ngân phát sinh từ ngày 01/12/2022 đến hết ngày 01/12/2023 hoặc đến khi hết quy mô chương trình.
Đặc biệt, để gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp, Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD từ ngày 15/3/2023 đến hết ngày 30/6/2023. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, mong muốn tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để bổ sung vốn lưu động nhằm triển khai các phương án sản xuất, kinh doanh hoặc doanh nghiệp cần vay vốn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Chương trình triển khai cho các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) phù hợp với điều kiện tài chính và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mức lãi suất ưu đãi thấp hơn lên tới 1,5%/năm với khoản vay giải ngân bằng VND và 1%/năm với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất hiện hành, tùy theo từng kỳ hạn cho vay, hồ sơ cụ thể của doanh nghiệp đề nghị vay vốn.
Bên cạnh đó, đối với các khoản phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 24/4/2023 đến hết ngày 30/6/2024, Agribank còn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, khách hàng khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống và tiêu dùng.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, NHNN đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của các ngân hàng, đặc biệt là 4 NHTM Nhà nước trong việc giảm lãi suất, định hướng thị trường…Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng nêu đích danh các ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân cao bất thường so với mặt bằng chung. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng này báo cáo về việc vì sao lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay đầu tháng 4/2023 của nhiều ngân hàng vẫn lên tới 13 - 14%/năm, cá biệt có ngân hàng đưa lãi suất cho vay bình quân lên tới 14,63%/năm.
"Thời gian qua, NHNN đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn tín dụng như: Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng; phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói tài chính tiêu dùng lên tới 20.000 tỷ đồng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các hội nghị tín dụng chuyên đề nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; tích cực triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...", Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, bà Hà Thu Giang cho biết.
Tính đến ngày 20/4/2023, quy mô tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng trên cao hơn giai đoạn dịch bệnh nhưng theo Phó Thống đốc NHNN, chỉ bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hầu hết các ngân hàng tăng trưởng tín dụng còn thấp, nhiều ngân hàng chỉ tăng trên dưới 1%; thậm chí có ngân hàng tăng trưởng âm.