Cân đối nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả
Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết: Từ nay tới cuối năm, Agribank tiếp tục hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện các Chương trình khôi phục và phát triển kinh tế xã hội. Agribank tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình cân đối vốn, chủ động dự báo để điều hành linh hoạt lãi suất, chi phí điều vốn nội bộ... nhằm đảm bảo cân đối, tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
“Linh hoạt bám sát diễn biến thị trường, Agribank sẽ tập trung tăng trưởng tín dụng vào các ngành, lĩnh vực có dấu hiệu phục hồi tốt, giữ vững thị phần...; thực thi hiệu quả các chương trình tín dụng, sản phẩm hiện có, triển khai kịp thời các chương trình, sản phẩm tín dụng mới có tính ổn định, kế thừa, phù hợp với từng loại hình, nhu cẩu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp tại từng địa bàn nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng”, ông Phạm Đức Ấn cho biết.
Trong 6 tháng đầu năm, Agribank đã 7 lần giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Agribank đồng thời tích cực triển khai các chính sách như: Cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02, tính đến hết tháng 6/2023, Agribank đã cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng; hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 với doanh số cho vay là 10.813 tỷ đồng, dư nợ 4.973 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 57,4 tỷ đồng.
Agribank đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng như: Tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD; cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15.000 tỷ đồng…
Từ nay tới cuối năm, ngân hàng MSB sẽ tập trung định hướng gia tăng nguồn thu ngoài lãi bên cạnh việc duy trì mảng kinh doanh cốt lõi. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho biết: “Sự chuyển dịch này phù hợp với chiến lược hiện tại của MSB khi giảm tỷ trọng kinh doanh lĩnh vực tiềm ẩn biến động; đồng thời tối ưu hóa nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng như: Dịch vụ thẻ, thanh toán, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ngân hàng đầu tư… Việc sở hữu cơ cấu thu nhập có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng bền vững, ổn định hơn trong dài hạn”.
MSB sẽ tiếp tục nâng cấp các hành trình trải nghiệm (CJ) bao gồm đăng ký thẻ tín dụng, vay tín chấp, vay thế chấp, mua bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ trực tuyến với mức độ tự động hóa hoàn toàn, phát huy tính chủ động của khách hàng trong mọi bước tiếp cận, giảm thiểu điểm chạm xuống 1 với khách hàng doanh nghiệp và 0 với khách hàng cá nhân. Việc đầu tư vào các dự án trọng điểm được kì vọng tác động trực tiếp tới việc tối ưu hóa tỷ lệ chi phí trên doanh thu của MSB, gia tăng nguồn tiền gửi không kì hạn (CASA)… qua đó góp phần nâng cao thanh khoản, giảm chi phí huy động vốn và tăng hiệu quả hoạt động.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của MSB đạt hơn 237.800 tỷ, tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2022. Tổng cho vay khách hàng lũy kế 6 tháng năm 2023 đạt gần 136.600 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 13,2% kể từ đầu năm 2023, cao hơn mức trung bình toàn ngành với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiền gửi khách hàng lũy kế 6 tháng ghi nhận gần 126.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,8% so với cuối năm 2022, trong đó tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi ký quỹ có sự tăng trưởng tốt khi tăng lần lượt 24% và 30%.
Tính đến hết ngày 30/6, Ngân hàng ABBANK ghi nhận tăng trưởng nhẹ quy mô vốn và tổng tài sản. Cụ thể: Tổng tài sản của ABBANK tại thời điểm cuối quý 2/2023 đạt 154.344 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2022; đã hoàn thành nâng vốn điều lệ lên hơn 10.300 tỷ đồng, thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%.
Huy động từ khách hàng tại ABBANK sau 6 tháng năm nay đạt 95.754 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022. Mức tăng trưởng đến chủ yếu từ phân khúc khách hàng cá nhân (KHCN), giúp tỷ trọng huy động bán lẻ tăng từ 60% lên 70%. Số lượng KHCN cũng được mở rộng đáng kể, tăng 56% so với cùng kỳ 2022.
Theo đó, giá trị giao dịch mỗi tháng của KHCN có sự tăng trưởng bứt phá, đạt mức gần 58.000 tỷ đồng trong tháng 6/2023, tăng trưởng gần 43% so với giá trị giao dịch bình quân trong 3 tháng đầu năm. Số lượng giao dịch của KHCN cũng có sự tăng trưởng tương ứng, đặc biệt các giao dịch trên kênh số tăng trưởng tới 33% so với bình quân 2022.
Trong bối cảnh tín dụng toàn ngành tăng trưởng chậm trong nửa đầu năm 2023, dư nợ tín dụng của ABBANK tính đến hết 30/6 đạt 90.374 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ABBANK cũng tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, đạt 715 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBANK được kiểm soát ở mức 2,86%, đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN. Mặc dù nợ xấu của ABBANK có xu hướng tăng theo diễn biến chung của toàn ngành, nhưng các khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo. Trong 6 tháng đầu năm, ABBANK đã trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng...
Ngân hàng cho vay cũng chịu nhiều rủi ro
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, VPBank rất hưởng ứng các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nếu so sánh với đỉnh cao của thanh khoản vào cuối năm ngoài và đầu năm nay lãi suất huy động lên tới 10% thì đến nay đã giảm. Ngân hàng chấp nhận giảm lợi nhuận của mình, có những ngân hàng lớn qua việc giảm lãi suất đã giảm lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng, phía VPBank đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng.
Nếu như trước đây, VPBank chỉ tập trung các chủ trương hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp lại không có đầu ra đến nay đã có chủ trương kích cầu, kích thích tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã phục hồi trong đầu tư công. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội cho tăng trưởng, đưa được nguồn vốn lớn cũng ứng ra nền kinh tế nhưng theo ông Nguyễn Đức Vinh, chừng đó là không đủ. Bởi vậy, tiêu dùng và tiêu dùng nội địa sẽ là yếu tố quan trọng nhất.
“Bên cạnh những thuận lợi thì cũng có nhiều vướng mắc mà ngành Ngân hàng không thể tự giải quyết được mà rất cần sự chung tay của nhiều Bộ, ngành. Kinh tế khó khăn, sức khỏe doanh nghiệp giảm sút dẫn đến không đáp ứng được các yêu cầu cấp tín dụng thì có hỗ trợ không? Thực tế chính sách hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp khỏe, trong khi toàn nền kinh tế có đến 70 - 80% doanh nghiệp đang gặp khó. Bài toán này cần đặt vấn đề ngược lại với các cơ quan Nhà nước về ban hành chính sách chứ ngân hàng không thể là 'kho tiền' để an sinh xã hội", lãnh đạo VPBank trăn trở.
Lãnh đạo VPBank kiến nghị việc để các ngân hàng được cân đối những rủi ro trong phạm vi cho phép. Để giảm lãi suất, gốc rễ không nằm ở thủ tục hành chính mà nằm ở thị trường. "Nếu Việt Nam không giữ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, một chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cùng các chính sách khác ổn định… thì sẽ rất khó”, đại diện VPBank nhấn mạnh.
Đối với hỗ trợ tài chính tiêu dùng, nhu cầu của người dân là có nền cần chính sách để triển khai hết các hình thái cho vay tiêu dùng để khắc phục việc suy giảm tiêu dùng của người dân trong thời gian qua. Ngoài ra, cần có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích của ngân hàng, củng cố hoạt động lành mạnh của ngân hàng.
“Hiện ngân hàng cho vay cũng đang chịu nhiều rủi ro nhất do đó cơ quan quản lý cũng cần có những quy định về quyền đòi nợ, quyền xử lý nợ, ngân hàng có quyền đòi nợ, người đi vay phải có trách nhiệm trả nợ”, ông Nguyễn Đức Vinh nhấn mạnh.
Phó Thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cũng cảnh báo: Việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu, đe dọa an toàn hệ thống trong tương lai. Đặc biệt, nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của doanh nghiệp suy giảm... kéo theo mức độ rủi ro của khách hàng gia tăng.
Việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu phát sinh, tạo hệ lụy đe dọa an toàn tài chính quốc gia và an toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong tương lai. Ngoài ra, do các nguồn vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao tiềm ẩn rủi ro tài chính tiền tệ.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo NHNN khẳng định: Thời gian qua đã có nhiều giải pháp tháo gỡ. Cụ thể: NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung nguồn vốn vào các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ và phát triển.