Ngành chăn nuôi gà “lâm nguy”

Thịt gà nhập ngoại đang được chứa đầy trong các kho ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số đơn vị chuẩn bị bán xả kho. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trong nước chăn nuôi gà rơi vào tình trạng lỗ kéo dài từ cuối năm ngoái tới nay, thậm chí có nơi đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Đó là thông tin được ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai đưa ra trong cuộc họp của Bộ NN&PTNT diễn ra hôm qua (21/8) bàn biện pháp giải cứu ngành chăn nuôi gà trong nước.

Thua lỗ kéo dài

Những yếu kém của ngành chăn nuôi gà trong nước đã thực sự được phơi bày sau sự kiện đùi gà Mỹ giá rẻ được nhập vào Việt Nam. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, dư luận đang đặt câu hỏi về sự sống của ngành chăn nuôi gà nước ta. Mặc dù các hiệp định thương mại vẫn còn trong giai đoạn đàm phán mà ngành chăn nuôi gà trong nước đã lao đao. Vậy khi các hiệp định có hiệu lực thì điều gì sẽ xảy ra đối với ngành này.

Ngành chăn nuôi gà ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN


Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang thua lỗ kéo dài. “11 tháng nay, không tháng nào không lỗ, nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì sản xuất vì chúng tôi muốn đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi sẽ không thể duy trì sản xuất được nữa”, ông Lê Thanh Phương, Phụ trách chăn nuôi gia cầm của Công ty TNHH chăn nuôi Emivest Việt Nam, cho biết.

Đồng Nai là một trong những vùng trọng điểm chăn nuôi gà của miền Nam với hơn 15,5 triệu con tại 457 trang trại. Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết, các doanh nghiệp đang chịu lỗ với mức 5.000 - 6.000 đồng/kg thịt gà. Nếu tiếp tục sản xuất trong tình trạng này, DN sẽ hết sức chịu đựng và sẽ phá sản trong vài tháng tới.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của thịt gà nội đối với thịt gà ngoại, trong đó nổi lên bốn vấn đề lớn. Thứ nhất, chất lượng con giống thấp, nhưng giá con giống ở Việt Nam lại cao với mức 0,6 USD/con. Trong khi ở Thái Lan và một số nước khác, mức giá con giống chỉ vào khoảng 0,3 USD/con. Thứ hai, chất lượng con giống thấp nên chi phí thức ăn chăn nuôi cao, chi phí nuôi vì thế cao hơn. Thứ ba, tỉ lệ gia cầm non chết rất lớn từ 10 - 15%. Cuối cùng, việc liên kết sản xuất phụ thuộc nhiều vào thương lái, khi doanh nghiệp sản xuất quá nhiều thì thương lái trả bao nhiêu cũng… phải chịu nếu không muốn hàng bị ế.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, cho biết, sự kiện “đùi gà Mỹ” cho thấy ngành chăn nuôi gà nước ta đang đứng ở đâu. Thực tế, trong nhiều năm qua, chúng ta đã tạo ra sự “bùng nổ” trong lĩnh vực chăn nuôi gà. Sự phát triển quá nóng cả về đầu con và sản lượng (tăng bình quân 9,3%/năm về sản lượng trong hàng chục năm qua) đã dẫn tới tình trạng khủng hoảng thừa.

“Chuỗi liên kết có nhiều bất cập. Cụ thể, người sản xuất chỉ hưởng 5 - 6% lợi nhuận, trong khi thương lái hưởng tới 24%, còn bán lẻ hưởng tới 30%”, ông Sơn cho biết thêm.

Đi tìm “chìa khóa”…

Nhìn một cách tổng thể, ngành chăn nuôi gà Việt Nam có khả năng cạnh tranh thấp. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, ngành này cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong thời gian ngắn hạn cũng như có những mục tiêu dài hạn.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, trước hết ngành phải tạo được chuỗi liên kết bền chặt từ khâu giống đến khâu phân phối.

“Đặc biệt, cần phải kiểm soát chặt các cơ sở ấp trứng gia cầm, không được bán gà loại hai cho người chăn nuôi, đánh giá lại đàn giống bố mẹ để thay thế bằng đàn giống có chất lượng tốt. Các địa phương cần phổ biến các mô hình sản xuất hiệu quả cho người dân học tập”, ông Vân cho biết thêm.

Còn về dài hạn, ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện chăn nuôi cho rằng, ngành phải chuyển từ tăng trưởng “nóng” như hiện nay sang tăng trưởng bền vững, đặc biệt với gà trắng, từ sản xuất thiên về số lượng sang coi trọng chất lượng, trong đó sản xuất trứng chất lượng cao.

Bàn về giải pháp cứu ngành chăn nuôi gà, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Tôi rất đau đáu về vấn đề này. Tại sao Thái Lan xuất khẩu thịt gà thu về 4 tỷ USD/năm, mà Việt Nam lại không làm được. Ngành chăn nuôi gà của Việt Nam phải hướng đến phương thức sản xuất như Thái Lan, không chỉ là chống đỡ để không sụp đổ mà tiến tới xuất khẩu. Tôi đặt hàng với Cục Chăn nuôi và Cục Thú y, hướng đến phát triển ngành chăn nuôi gà như Thái Lan”.

H.V
Thịt gà nhập khẩu từ Mỹ đều có nguồn gốc rõ ràng
Thịt gà nhập khẩu từ Mỹ đều có nguồn gốc rõ ràng

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định tất cả các lô sản phẩm thịt gà nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đều có nguồn gốc rõ ràng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN