Ngành chăn nuôi vẫn lệ thuộc vắcxin ngoại

Nguồn vắcxin phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của nước ta chủ yếu là được nhập khẩu từ nước ngoài. Muốn chủ động được nguồn vắcxin cho ngành chăn nuôi, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu sản xuất vắcxin công nghệ cao.

 

Vắcxin ngoại chiếm tới 95%


Theo thống kê của Phòng dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN&PTNT), từ 2008 đến 2011, mỗi năm có hơn 200.000 con gia cầm mắc cúm. Riêng năm 2012, số gia cầm mắc bệnh, chết tăng cao đột biến, đặc biệt là vịt và ngan. Bên cạnh các yếu tố như tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, nguồn bệnh cúm còn lưu hành trong môi trường, vận chuyển lậu gia cầm... thì một nguyên nhân quan trọng là virút gây bệnh đã có những biến đổi nhất định và chưa có vắcxin phù hợp để tiêm phòng cho đàn gia cầm, thủy cầm. Từ cuối năm 2010, xuất hiện nhánh virút mới 2.3.2.1 với 3 nhóm (A, B, C) lưu hành ở hầu khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ khiến hiệu lực vắcxin hiện có trong nước bị giảm sút.

Tiêm phòng vắcxin tai xanh cho đàn lợn tại thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Trung Hiếu - TTXVN


Hiện cả nước có 109 cơ sở sản xuất thuốc thú y, tuy nhiên, chỉ có 5 cơ sở đăng ký sản xuất vắcxin với 86 loại vắcxin. Lượng vắcxin sản xuất trong nước chỉ chiếm gần 5% so với tổng số các sản phẩm vắcxin đang được phép lưu hành. Trong khi đó, hiện có tới gần 2.000 sản phẩm vắcxin của 209 công ty từ 36 quốc gia trên thế giới được phép lưu hành tại Việt Nam.


Lãnh đạo Cục Thú y cho rằng, việc lệ thuộc quá lớn vào nguồn vắcxin nhập ngoại khiến hiệu quả của công tác phòng chống dịch không cao. Do không chủ động được nguồn cung cấp vắcxin nên khi nguồn cung bị gián đoạn thì kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong nước cũng bị ảnh hưởng. Mặt khác, việc tìm vắcxin thay thế khi chủng virút bệnh biến đổi cũng sẽ gặp khó khăn...


Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y, việc sản xuất vắcxin phòng một số bệnh quan trọng như cúm gia cầm, lở mồm long móng và tai xanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có nguồn cung cấp động vật sạch bệnh, quy trình công nghệ sản xuất đầu tư tốn kém, các quy định tài chính chưa khuyến khích các nghiên cứu khoa học để chế tạo vắcxin...


Bà Thủy cũng cho biết, lượng vắcxin dùng để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là phòng các bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vắcxin ngoại. Năm 2010, nước ta phải nhập 347 triệu liều vắcxin cúm gia cầm; 10 tháng đầu năm 2012 nhập 272 triệu liều. Với vắcxin phòng bệnh lợn tai xanh, lượng nhập khẩu tăng từ 3,4 triệu liều (năm 2010) lên 9,7 triệu liều trong năm vừa qua.


Theo Chi cục Thú y Bắc Giang, từ năm 2009 đến năm 2011, toàn bộ lượng vắcxin cúm gia cầm sử dụng tại tỉnh này được nhập từ Trung Quốc. Riêng năm 2012, tỉnh này mới nhận được 4 triệu liều do Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương 1 sản xuất. Tính chung, từ 2009 đến nay, vắcxin nội chỉ chiếm chưa tới 13% thị phần tiêu dùng ở Bắc Giang, trong khi vắcxin ngoại là 87%.

 

Khắc phục bất cập trong sản xuất, cung ứng


Để khắc phục những yếu kém trong sản xuất vắcxin trong nước, bà Thủy cho biết, ngành sẽ xây dựng và trình Chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh phân phối vắcxin phù hợp với từng giai đoạn và yêu cầu của công tác phòng chống dịch. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất vắcxin (đặc biệt là đối với dự án thuộc chương trình nghiên cứu vắcxin phòng chống dịch bệnh khẩn cấp) sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về vốn, về đất đai... Mặt khác, Nhà nước cũng sẽ có chính sách ưu tiên sử dụng đối với vắcxin sản xuất trong nước trong các chương trình tiêm phòng sử dụng ngân sách nhà nước. Chỉ khi nào trong nước không sản xuất được mới sử dụng vắcxin ngoại.


Đồng thời, Nhà nước sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dược, chú trọng đào tạo chuyên gia cho lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo vắcxin cho đàn vật nuôi; đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm vắcxin công nghệ cao, ứng dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp, viện nghiên cứu tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.


Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN