Nhiều năm qua, ngành dệt may Việt Nam luôn thành công trong việc đẩy mạnh xuất khẩu ra các nước với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng qua các năm từ 8 - 10%. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp lại chưa chiếm lĩnh được sân nhà và các hãng thời trang nước ngoài đang giữ ưu thế. Nhận thức về vấn đề này, các doanh nghiệp trong nước đã không ngừng đầu tư, cải tiến kỹ thuật, tăng cường tạo mẫu nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với dân số gần 100 triệu người, mức tiêu dùng hàng dệt may hiện nay chiếm từ 5 - 6% chi tiêu của người dân Việt Nam, tương đương từ 3,5 - 4 tỷ USD cho thấy, đây là thị trường rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp dệt may.
Với quyết tâm phát triển thị trường trong nước, đem các thương hiệu thời trang đến với đông đảo người tiêu dùng Việt, nhiều thương hiệu thời trang như Paul Downer, DGC, S.PEARL, HeraDG, Forever Young… đã được Tổng công ty Đức Giang đưa đến với người tiêu dùng và được thị trường trong nước đón nhận.
Bên cạnh việc xây dựng các thương hiệu đã được khẳng định, năm 2018 Tổng công ty Đức Giang đã phát triển chuỗi cửa hàng may đo Veston thương hiệu Smartsuits Tailor Shop, dựa trên nền tảng Nhà máy may Veston Đô Lương thuộc Tổng công ty Đức Giang do Tập đoàn Sumikin chuyển giao công nghệ theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Với chủng loại mặt hàng đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm và uy tín của mình Tổng công ty Đức Giang không chỉ được người tiêu dùng cá nhân yêu thích mà còn được nhiều doanh nghiệp, tổ chức lớn tin tưởng chọn là nhà cung cấp đồng phục văn phòng như: Vietcombank, Kho Bạc Nhà Nước, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình…
Không chỉ may Đức Giang, một số doanh nghiệp dệt may khác như Công ty may Nhà Bè, Việt Tiến, May 10... cũng không ngừng đầu tư cải tiến mẫu mã, mở rộng chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm nhằm gia tăng thị phần, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, thị trường thời trang Việt Nam đang có những bước chuyển mình tích cực, không chỉ thể hiện bằng những bước đột phá trong thiết kế mà cả trong tư duy thời trang của khách hàng.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty may 10 cho biết, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong nước thời gian gần đây, Tổng công ty May 10 đưa ra nhiều sản phẩm thời trang đa phong cách, chủng loại phong phú với nhiều chất liệu, kiểu dáng theo xu thế của thời trang Việt Nam và quốc tế.
Các sản phẩm có thể kể ra một số dòng sản phẩm thời trang cao cấp như Eternity GrusZ, May10 M series, áo dài cách tân hay dòng sản phẩm ECO là một trong những dòng sản phẩm mới mang đặc trưng riêng, gần gũi với thiên nhiên… không gây hại cho môi trường và người sử dụng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nước ngoài, nhất là tình trạng hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan lại được gắn mác là hàng Việt, hàng hiệu và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Không những thế, nhiều cơ sở may gia công, doanh nghiệp trong nước chỉ đầu tư vào số lượng, chứ chưa chú ý đến chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu nên giá thành sản xuất thấp, sản phẩm bán ra với giá rẻ hơn so với các doanh nghiệp có thương hiệu.
Ông Thân Đức Việt cho biết thêm, để sản xuất ra sản phẩm 100% hàng Việt Nam với giá phải chăng, có thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì phải mất một thời gian dài và rất khó khăn. Tuy nhiên, để chinh phục thị trường Việt thì " khó mấy cũng phải làm, vì không thể thua trên sân nhà"- ông Việt nói.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, khó khăn nhất của ngành may chính là nguyên liệu, vì đến 90% nguyên liệu vải doanh nghiệp phải nhập từ nước ngoài. Vải sản xuất tại Việt Nam cũng đắt hơn vải nhập ngoại nhất là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, vì vậy nhiều doanh nghiệp đã chọn vải nhập là chính. Chính vì thế, hàng dệt may Việt Nam mang tiếng là sản xuất trong nước, nhưng nguyên liệu phần lớn lại là ngoại nhập.
Trước khó khăn này, nhiều doanh nghiệp cho rằng để có thể đáp ứng sản phẩm sản xuất nội địa với nguyên liệu nội địa thì doanh nghiệp ngành may phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời, các ngành chức năng cần có các chính sách để quy hoạch, khuyến khích hỗ trợ ngành dệt, nhuộm phát triển nguồn nguyên liệu. Bởi nếu không có nguyên liệu tốt trong nước thì không thể có hàng dệt may Việt Nam chất lượng cao để phục vụ cho người Việt Nam.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù Việt Nam đã rất thành công trong xuất khẩu, nhưng kinh doanh ngay trên sân nhà lại rất khó khăn. Vậy làm gì để có thể tiếp cận thị trường nội địa hiệu quả là vấn đề cấp bách đang đặt ra cho các doanh nghiệp trong ngành dệt may.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam các doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược mạng lưới kênh phân phối, nhất là những doanh nghiệp nhỏ cũng tích cực hơn trong chinh phục người tiêu dùng bằng cách đầu tư cho thiết kế, tăng chất lượng sản phẩm và cơ cấu lại giá thành cho phù hợp. Song song đó, doanh nghiệp phải chuẩn hóa trong quan điểm tư tưởng, phương pháp phục vụ, bắt kịp xu thế thời trang… để chịu trách nhiệm đến cùng các sản phẩm, nhằm tạo tin tưởng của khách hàng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các khu công nghiệp có xử lý nước thải, phải kêu gọi đầu tư nhà máy về sợi - dệt - nhuộm để hoàn thiện chuỗi quy trình sản xuất nguyên liệu vải, phục vụ ngành dệt may. Đây sẽ là cơ sở để nội địa hóa nguồn nguyên liệu vải, nền tảng để ngành dệt may chuyển đổi sản xuất từ gia công sang thiết kế và xuất khẩu sản phẩm may mặc mang thương hiệu Việt. Quan trọng hơn, từ đó doanh nghiệp nội mới được tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký.