Tuy nhiên, các chuyên gia ngành dệt may không khỏi âu lo trước những tác động của tình hình thế giới và cho rằng ngành cần có giải pháp ứng phó.
Hiện, thị trường ngành dệt may xuất khẩu sang Mỹ là nhiều nhất. Quý I, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường này đạt 2,14 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 46,6% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dệt may của cả nước. Thị trường giữ vị trí thứ hai là Nhật Bản chiếm 12,6%, đạt gần 578 triệu USD, tăng 7,6%; các thị trường khác như EU, Hàn Quốc cũng tăng mạnh.
Hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chỉ chiếm 4,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 206,17 triệu USD nhưng tăng 51,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý nhất là xuất khẩu sang thị trường Ghana, Angola, Nigeria, Ai Cập và Lào dù chiếm tỉ trọng nhỏ nhưng đã tăng đột biến so với cùng kỳ. Song, xuất khẩu hàng dệt may sụt giảm mạnh ở các thị trường như Hungary, Phần Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), từ đầu năm đến này, tình hình đơn hàng dệt may tương đối tốt. Lý do bởi trong “thực đơn” áp thuế của Mỹ đối với Trung Quốc, chưa có hàng may mặc, do đó khách hàng vẫn tiếp tục đặt hàng bình thường ở Việt Nam và Trung Quốc.
Trong trường hợp hàng may mặc Trung Quốc bị áp thuế, có khả năng một phần đơn hàng sẽ dịch chuyển sang Việt Nam. Mặt khác, các mặt hàng may xuất khẩu đi các thị trường khác nằm ngoài cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng ít ảnh hưởng.
Ông Vũ Huy Đông, Tổng Giám đốc Công ty dệt sợi Damsan cho biết, hiện nay, đơn hàng đến với các doanh nghiệp may Việt Nam đang ổn định theo chiều hướng tăng trưởng từ 8-10% so với cùng kỳ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất tới quý II, quý III/2019.
Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, vẫn có thể khi kịch bản xấu xảy ra. Đó là, Mỹ thực hiện áp thuế đối với Trung Quốc thì các doanh nghiệp dệt may cần lường trước phản ứng của Trung Quốc với tình hình đó. Bởi khi Trung Quốc cũng tăng thuế mặt hàng nguyên liệu sẽ ảnh hưởng tới ngành may của Việt Nam.
Đơn cử trường hợp Trung Quốc tăng thuế 10% nguyên liệu vải xuất khẩu, thì các nhà sản xuất từ Việt Nam và các nhà mua đặt hàng ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Theo lẽ thông thường, họ cần chia sẻ với nhau rủi ro này, ví dụ bên mua chịu 5%, bên sản xuất chịu 5%.
Hệ quả tiếp theo là ngành may tiếp tục căng thẳng khi biên lợi nhuận thu hẹp, trong lúc chi phí sản xuất lại tăng lên. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không ai muốn có chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, bởi tình hình căng thẳng khiến các bên tham gia chuỗi đều có xáo trộn trong kinh doanh và phải gồng mình chịu đựng thiệt hại.
Bên cạnh đó, ngành may của Việt Nam cũng đang đối diện với thách thức giá nhân công cao hơn đa số đối thủ cạnh tranh. Nếu như trước kia, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế giá nhân công thấp, đơn hàng đổ về Việt Nam, thì nay, với mức lương công nhân may Việt Nam trung bình đạt 300 USD/tháng, cao thứ hai (chỉ đứng sau Trung Quốc) trong nhóm 10 nước xuất khẩu lớn nhất trong ngành may mặc. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp may vất vả hơn trong bài toán quản lý, cạnh tranh.
Do vậy, muốn trụ vững và phát triển, doanh nghiệp ngành may buộc phải tập trung vào tăng năng suất; đầu tư dần cho tự động hóa để giảm nhân công; chọn đơn hàng cao cấp, hàng kỹ, có giá gia công cao, dựa vào lợi thế tay nghề công nhân kỹ thuật cao.
Ông Lê Tiến Trường cho rằng, với ba trọng tâm này, hiện nay các doanh nghiệp may Việt Nam vẫn đang ở trong tầm kiểm soát tốt. Không những vậy, điều kiện sản xuất xanh-sạch, đảm bảo các yếu tố an toàn môi trường, an sinh xã hội cũng là một lợi thế của ngành may Việt Nam, để các nhà mua lựa chọn.
Với hai mũi nhọn trong xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam là sợi và may thì ngành sợi cũng sẽ phải trực diện “chiến đấu” trong một mặt trận khó khăn hơn so với ngành may. Khả năng tăng trưởng của ngành sợi chưa rõ ràng, bởi còn phụ thuộc vào độ ấm, lạnh của thị trường, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Nhiều năm nay, sợi của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bởi đây là công xưởng sản xuất nguyên liệu vải lớn nhất toàn cầu. Khi việc áp thuế mới có nguy cơ xảy ra đối với Trung Quốc thì ngay lập tức ngành sợi Việt Nam bị ảnh hưởng.
Do vậy, từ tháng 12/2018 và tháng 1/2019, ngành sợi Việt Nam phải chấp nhận giá sợi ở mức đáy, trung bình chỉ đạt 2,6 USD/kg; trong khi giá bông nhập khẩu 2,1 USD/kg để duy trì sản xuất, ổn định đời sống cho công nhân và giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, đến tháng 2/2019, biên độ giá giữa bông và sợi là 1,9 USD (bông) – 2,8 USD (sợi). Như vậy, độ chênh đã đạt đến gần 1 USD, mức chênh chấp nhận được cho ngành sợi. Tuy nhiên, thị trường trong nước chưa thể tiêu thụ số lượng sợi mà ngành sợi có thể sản xuất với quy mô và năng lực hiện tại.
Theo ông Lê Tiến Trường, xét về tổng lượng xuất khẩu của cả hai ngành năm nay so với năm 2018 có thể vẫn tăng trưởng như dự kiến, từ 8-10%. Bài học mà ngành dệt may Việt Nam rút ra trong tình hình này, đó là sự phát triển thận trọng, linh hoạt các giải pháp khi có biến động, bảo toàn lực lượng để bước đi đường dài.