Ngành điện chia sẻ gánh nặng cho các dự án nhà ở xã hội

Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) mới đây cho biết sẽ đầu tư tất cả hệ thống điện cho các dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư nhằm chia sẻ chi phí điện với người dân.

Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), trước ngày 25/09/1995, Công ty Điện lực chỉ bán điện đến đồng hồ điện tổng của dự án nhà ở. Sau đồng hồ điện tổng, chủ đầu tư dự án nhà ở cả thấp tầng lẫn cao tầng đều phải đầu tư hệ thống cấp điện (đường dây trung thế, trạm biến thế, đường dây hạ thế đến đồng hồ căn hộ, lưới điện trong căn hộ) và phải trực tiếp quản lý hệ thống điện để bán điện cho các hộ dân. Do thiếu tính chuyên nghiệp nên thường các hệ thống điện này không đạt chuẩn, gây thất thoát và các hộ dân phải trả tiền điện cao hơn.


Trước tình hình trên, ngày 25/09/1995, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản giao cho EVN HCMC tiếp nhận toàn bộ hệ thống lưới điện này để quản lý vận hành và kinh doanh. Quyết định của UBND Thành phố đã tạo bước ngoặt, chuẩn hóa lưới điện tại các khu dân cư và mở ra phương thức xã hội hóa: Chủ đầu tư dự án bất động sản (BĐS) bỏ vốn đầu tư công trình điện, sau đó bàn giao tài sản này cho Công ty Điện lực quản lý vận hành, kinh doanh.

Ngành điện lực cam kết sẽ hỗ trợ đầu tư tất cả hệ thống điện cho các dự án nhà ở xã hội, nhà tái định cư


Trong 15 năm qua, tốc độ đô thị hóa rất mạnh, nhiều khu đô thị mới, khu dân cư được hình thành với hệ thống lưới điện của các dự án BĐS được đầu tư ngày càng hiện đại theo chủ trương của thành phố ngầm hóa lưới điện. Theo đó, cũng có nhiều bất cập nảy sinh trong quá trình bán điện cho chủ đầu tư qua đồng hồ điện tổng và người thuê trả tiền điện cho chủ đầu tư, gây khó khăn cho ngành điện trong việc quản lý.


Cụ thể, tiến độ xây dựng và khai thác của chủ đầu tư thường kéo dài, thậm chí một số dự án sau khi thực hiện xong phần xây dựng thô thì do việc huy động vốn của chủ đầu tư bị trở ngại dẫn đến ngưng thi công, không triển khai tiếp. Đồng thời, sau khi dự án hoàn thành các căn hộ cũng chưa đưa vào sử dụng ngay do chưa có khách hàng, hoặc có thể khách hàng mua để kinh doanh, đầu cơ nên không có tiến độ sử dụng điện. Do đó, nếu ngành điện đầu tư (bằng nguồn vốn nhà nước ngoài ngân sách) cho hệ thống điện bên trong dự án BĐS có khả năng sẽ dẫn đến không hiệu quả, thậm chí lãng phí vốn nhà nước (trong trường hợp các dự án bất động sản ngưng hoặc kéo dài tiến độ triển khai dự án), tạo áp lực vốn rất lớn cho ngành điện và làm tăng giá thành điện.


Trước tình hình trên, HoREA đã có buổi làm việc với EVN HCMC để tìm cơ chế giải quyết các bất hợp lý nhiều năm qua trong việc đầu tư hệ thống cấp điện đến đồng hồ nhà, căn hộ của dự án BĐS vừa nhằm làm giảm giá thành, giá bán nhà cho người tiêu dùng, trước hết là đối với loại nhà quy mô nhỏ và vừa, có 1-2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, vừa có sự chia sẻ một phần gánh nặng đầu tư của ngành điện.


Đại diện EVN HCMC cho biết, đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư mà chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, EVN HCMC cam kết sẽ thực hiện đầu tư hệ thống cung cấp điện, như trạm biến thế cung cấp điện cho dự án, trạm biến thế đi cáp tổng hạ thế cấp điện đến mỗi tủ điện tổng cung cấp điện cho từng tầng của dự án. Riêng các nhánh mắc điện (âm tường) xuất phát từ tủ điện tổng để cung cấp điện đến từng điện kế tại mỗi căn hộ, thì sẽ do chủ đầu tư thực hiện để đồng bộ với quá trình xây dựng các tòa nhà của chủ đầu tư. Chi phí đầu tư hệ thống cấp điện này không được tính vào giá thành dự án của chủ đầu tư.


Để thực hiện được theo cơ chế như trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết sẽ chủ động phối hợp với EVN HCMC cung cấp thông tin cụ thể cho các chủ đầu tư, để nắm vững quy trình, phối hợp, thỏa thuận với các Công ty Điện lực về phạm vi và khối lượng đầu tư, làm cơ sở trình cho cấp có thẩm quyền ra quyết định đầu tư, có nêu rõ trách nhiệm đầu tư giữa hai bên, tạo thuận lợi cho các bên thực hiện dự án, vì mục tiêu chung đem lại lợi ích cho người có thu nhập thấp của thành phố.


Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề nghị EVN HCMC đầu tư hệ thống điện cho các dự án nhà ở thương mại giá thấp (giá bán nhỏ hơn hoặc bằng 22 triệu/m2; giá cho thuê nhỏ hơn hoặc bằng 5 triệu/tháng/căn hộ). Nếu doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư trước thì sau khi bàn giao lưới điện thì EVN HCMC hoàn trả số tiền đã đầu tư, chi phí này không được tính vào giá bán, giá cho thuê căn hộ.


Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương hướng dẫn việc hạch toán nguồn tài sản lưới điện do các chủ đầu tư bàn giao cho ngành điện hàng năm như nguồn vốn ngân sách đầu tư. Trong trường hợp được hoàn lại vốn đầu tư hệ thống điện cho chủ đầu tư thì hướng dẫn cách thức hoàn vốn. Mặt khác, Hiệp hội đề nghị Sở Công thương bỏ "thủ tục thỏa thuận phù hợp quy hoạch phát triển lưới điện" hiện nay vì chồng chéo, không hợp lý.


Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN