Đoàn tàu chất lượng cao SE5. |
Đây được xem như giải pháp quan trọng và cần thiết để thu hút hành khách trước đà "xuống dốc" sau 3 năm liên tiếp (2014, 2015 và 2016). Xoay quanh vấn đề này, Phóng viên (PV) Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR.
Đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho kế hoạch chạy các đoàn tàu mới từ 10/1 như thế nào, thưa ông?Trong năm 2017, VNR đã hoàn thành đóng mới 6 đoàn tàu. Đến thời điểm này, cả 6 đoàn tàu đã hoàn thiện xong, chạy thử và sẵn sàng phục vụ hành khách tuyến Bắc - Nam từ ngày 1/10.
Ngành Đường sắt tăng cường thêm các tuyến tàu phục vụ người dân trong dịp nghỉ lễ. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Thời gian qua, Tổng công ty đã cho một số đoàn tàu vừa đóng mới vào chạy thử. Qua việc này, VNR sẽ kiểm tra lại toàn bộ quá trình chuẩn bị từ suất ăn trên tàu được chuẩn bị và phục vụ hành khách ra sao, rồi đến việc phối hợp trong công tác phục vụ của các bộ phận… để làm sao từ 10/1 tới khi chạy tất cả các đoàn tàu này sẽ được đảm bảo sự phối hợp tốt nhất cũng như chất lượng phục vụ.
Về kế hoạch chạy tàu từ 10/1, VNR sẽ tổ chức chạy tàu tại đầu Hà Nội với 2 đoàn tàu, còn đầu Sài Gòn sẽ thực hiện 4 đoàn tàu. Các đoàn tàu này sẽ thực hiện hành trình Bắc - Nam và sẽ chạy từ 1/10 đến qua Tết âm lịch. Đặc biệt trong dịp này, VNR sẽ chính thức đưa suất ăn hàng không lên tàu phục vụ miễn phí trên các đoàn tàu này.
Về các đoàn tàu vừa mới đóng sẽ có nhiều tính năng ưu việt như được đóng bằng công nghệ và vật liệu cao cấp, nội thất bằng nhựa composite có khả năng chống cháy, chống bám bụi, trên toa xe được trang bị các phương tiện giải trí hiện đại… Qua thời gian này, Tổng công ty sẽ đánh giá tổng thể những ưu điểm, nhược điểm của những đoàn tàu này, từ chất lượng vật liệu, tiện nghi và nhất là sự phản hồi từ phía hành khách như thế nào.
Cùng với việc nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ chung cũng đòi hỏi phải được nâng cao. Cụ thể, về nhân lực, lực lương tiếp viên đã được tuyển chọn, đào tạo kỹ lưỡng; trong đó có nhiều tiếp viên đã trải qua khóa đào tạo của Học viện Hàng không. Ngoài ra, tại các ga bán vé như Hà Nội, Sài Gòn cũng thay đổi trang phục cho các nhân viên như: nhân viên nữ mặc áo dài nhằm tạo ra sự thân thiện, gần gũi hơn với hành khách.
Thêm vào đó, trên tàu, dưới ga cũng phải đảm bảo tốt công tác vệ sinh sạch sẽ. Một điều đặc biệt là trên toàn bộ tuyến vận tải vào những đợt cao điểm Tết năm nay, VNR sẽ bố trí thêm lực lượng đoàn viên thanh niên nhằm hỗ trợ những tình huống khó khăn trên tuyến…; đồng thời cổng phát vé đang áp dụng tại 3 ga chính là Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn cũng đã đi vào hoạt động ổn định. Qua đó góp phần nâng chất lượng phục vụ đợt cao điểm Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Tháng phục vụ Tết năm nay, VNR đánh giá là thời điểm thích hợp để giới thiệu, quảng bá những hình ảnh tích cực của ngành đường sắt đối với việc phục vụ cũng như đem lại niềm tin cho hành khách.
Qua sự đổi mới trong năm 2017, mục tiêu của ngành là hành khách chính là đối tượng phục vụ. Mặc dù đã có nhiều giải pháp, cải tiến, nhưng đây chỉ là kết quả ban đầu. Ngành đường sắt cần tiếp tục đánh giá lại những đổi mới trong năm qua để thấy được những mặt đã làm được cũng như chưa làm được, qua đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh và tiếp tục duy trì các giải pháp cũng như nâng cao chất lượng đoàn tàu với mục tiêu hướng tới khách hàng.
Dự kiến trong năm 2018, VNR sẽ đóng tiếp 6 đoàn tàu. Tổng công ty sẽ yêu cầu các đơn vị nghiên cứu đưa thêm các vật liệu mới để đảm bảo tính mỹ thuật, nhẹ, bền và thân thiện với môi trường… Đặc biệt, các toa tàu mới sẽ thiết kế để có những toa VIP chất lượng cao phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp, thay vì chỉ có toa phục vụ khách hàng phân khúc hạng trung như hiện nay.
Hành khách thao tác khi qua cổng kiểm soát vé tự động tại ga Hà Nội. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Trong năm 2018, ngành đường sắt sẽ thực hiện đề án nâng cấp, cải tạo ga Sài Gòn và ga Hà Nội, sau đó sẽ thực hiện tại các ga khác. Việc đầu tư này dự kiến sẽ được xã hội hóa để các doanh nghiệp khác cùng tham gia khai thác. Cùng với đó, ngành đường sắt sẽ tăng cường các dịch vụ khác như dịch vụ xe đưa đón hành khách từ ga đến các điểm trung tâm nhằm hướng tới sự thuận tiện nhất cho hành khách đi tàu.
Trong năm qua, ngành đường sắt gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng bởi mưa, bão tại khu vực miền Trung, vậy kết quả sản xuất kinh doanh năm 2017 của ngành đường sắt như thế nào, thưa ông?Mặc dù năm 2017 ngành đường sắt gặp rất nhiều bất lợi, đặc biệt là bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa bão tại miền Trung. Tuy nhiên, đáng mừng là kết quả sản xuất kinh doanh đã vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Cụ thể, năm 2017 sản lượng, doanh thu của Tổng công ty tăng trên 10%, tăng hơn so với kế hoạch được giao từ đầu năm. Có thể nói đây là những cố gắng, nỗ lực của toàn ngành bởi mọi người đều biết năm 2017, ngành đường sắt đã chặn được đà "xuống dốc" sau 3 năm liên tiếp (năm 2014, 2015 và 2016). Năm 2017 đánh dấu ngành đường sắt có sự tăng trưởng trở lại.
Nhiều giải pháp đã được Tổng công ty đưa ra bước đầu cho thấy phát huy tác dụng, dù chưa được như kỳ vọng nhưng cũng chứng minh phần nào giải pháp đang thực hiện là đúng hướng.
Có được kết quả trên là nhờ sự ủng hộ, quan tâm của các cơ quan truyền thông bởi thông qua đó hành khách biết được sự thay đổi từng ngày của ngành đường sắt cũng như chất lượng dịch vụ được nâng cao để họ có thêm sự lựa chọn.
Hành khách đã "bỏ" ngành đường sắt để chọn phương thức vận tải khác và muốn hành khách quay lại với mình đỏi hỏi toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa. Đây được xem là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng Tổng công ty xác định khó mấy cũng phải làm.
Ngành đường sắt đang hy vọng vào thời điểm cuối năm khi hành khách tăng lên thì đó sẽ là thời điểm để ngành chứng minh cho hành khách thấy được những thay đổi từ chất lượng dịch vụ đến thái độ ứng xử và đặc biệt là chất lượng phương tiện được nâng cao. Khi đó, mỗi hành khách sẽ có những đánh giá của riêng mình để có quyết định chọn đường sắt là phương tiện di chuyển cho những lần khác hay không?
Về vận tải hàng hóa của ngành đường sắt năm 2017 có sự tăng trưởng tốt. Năm vừa qua, vận tải xuyên biên giới có sự khởi sắc. Cụ thể, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) đã có sự đóng góp quan trọng khi mở những đường kết nối qua các nước châu Âu và quay trở lại.
Mặc dù số lượng chưa nhiều, nhưng việc chúng ta khai thông mở tuyến sẽ tạo ra phương thức vận tải mà lâu nay chúng ta hay tập trung thực hiện bằng đường biển. Hiện nay hành khách có thêm lựa chọn để chở hàng hóa khối lượng lớn từ châu Âu về Việt Nam qua đường sắt thay vì chỉ có lựa chọn đường biển như trước kia.
Với lợi thế khi vận chuyển bằng đường sắt là thời gian được rút ngắn hơn một nửa so với đường biển. Cùng với đó là giá cước vận chuyển cũng khá rẻ so với các phương thức vận tải khác. Đây là những ưu điểm mà ngành vận tải đường sắt phải khai thác trong thời gian tới.
Mặc dù trước đây ngành đường sắt đã khai thác các tuyến liên vận quốc tế, nhưng vừa qua ngành đẩy mạnh và tăng cường hợp tác để tăng cường hơn nữa đối với các tuyến này. Đặc biệt, chúng ta đã có những đoàn tàu chở hàng hóa từ cảng Hải Phòng đi sâu vào lục địa Trung Quốc và dự báo trong tương lai tuyến này sẽ phát triển mạnh.
Trong năm nay việc vận chuyển liên vận quốc tế sẽ phát triển hơn nữa khi trước đó Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với Tân cảng Sài Gòn xây dựng được các kho hàng, các cảng cạn (ICD). Hai doanh nghiệp sẽ thực hiện việc vận chuyển container từ Sóng Thần (Bình Dương) đi Đông Anh (Hà Nội) rồi vận chuyển đi Trung Quốc. Nếu khai thác tốt tuyến này thì lưu lượng hàng hóa sẽ có sự tăng trưởng tốt.
Để duy trì sự tăng trưởng trong năm 2018, ngành đường sắt sẽ thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?Hiện tại đối với ngành đường sắt có 3 yếu tố quan trọng nhất phải quan tâm, đó là nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, chất lượng phương tiên và chất lượng phục vụ.
Về nâng cao chất lượng hạ tầng, trước tiên để giảm xóc, lắc thì ngành đường sắt ngoài việc thực hiện quy trình như mọi năm, năm 2018, ngành sẽ nhập thiết bị đo của Áo để thực hiện đánh giá chất lượng mặt đường ray. Máy đo này như một con tàu sẽ chạy trên tuyến để đo và đưa ra các thông số để đánh giá từng đoạn. Trên cơ cở đó chỉ ra chất lượng từng đoạn và khi đó chúng ta sẽ có từng giải pháp để giảm xóc, lắc trên các tuyến đường.
Ngoài ra, Tổng công ty sẽ chỉ đạo việc bố trí biểu đồ chạy tàu hợp lý để có đủ thời gian đưa máy móc, trang thiết bị vào việc duy tu, bảo trì các tuyến đường sắt hiện nay. Có làm được như vậy mới có thể đảm bảo được sự đồng bộ, chất lượng hạ tầng và giảm được nhân công lao động. Theo đánh giá, nếu đưa được máy móc vào công tác bảo trì đường sắt thì hạ tầng của đường sắt sẽ được nâng lên.
Tàu 5 sao chặng ngắn Sài Gòn - Nha Trang. Ảnh: Đăng Sơn |
Về chất lượng phương tiện, Tổng công ty đang phối hợp với các đơn vị đóng tiếp các đoàn tàu khách. Ngoài ra, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát các tuyến hàng để lựa chọn các tuyến, chủng loại hàng hóa để đóng các tàu hàng, toa xe cho phù hợp, đặc biệt là đáp ứng các toa hàng đủ tiêu chuẩn vận chuyển liên vận quốc tế.
Đối với việc nâng cao chất lượng dịch vụ , ngành đường sắt vẫn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đang thực hiện thời gian qua, nhưng sẽ nâng cấp ở mức độ cao hơn. Ngành đường sắt vừa thực hiện nâng cao chất lượng dịch vụ với hành kháchvừa nâng cao chất lượng phục vụ hàng hóa, nhất là khả năng kết nối tại các ga đường sắt.
Ngành đường sắt hy vọng 6 tháng cuối năm 2018 sẽ có sự thay đổi rõ rệt so với năm 2017. Để đạt được kết quả đề ra, Tổng công ty xác định cần phải có sự kiên trì, bền bỉ thực hiện các giải pháp, đảm bảo đáp ứng mục tiêu khai thác hết năng lực hạ tầng hiện có.
Đồng thời, Tổng công ty cũng sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đề xuất Chính phủ gói đầu tư 7.000 tỷ đồng để nâng cao năng lực hạ tầng của ngành đường sắt, đảm bảo đủ điều kiện an toàn vận hành cũng như góp phần kết nối hạ tầng giữa đường sắt và các phương thức vận tải khác.
Xin cảm ơn ông!