Ngành gỗ đối diện thách thức

Với việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), ngành gỗ dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết mặc dù đem lại nhiều thuận lợi nhưng cũng sẽ làm tăng rủi ro về thị trường.

Xuất khẩu sẽ khó khăn hơn

Theo số liệu thống kê của ngành gỗ, 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) gỗ và các sản phẩm gỗ đã có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2015, chỉ đạt khoảng hơn 3,1 tỷ USD. Nguyên nhân do từ thời điểm đầu năm 2016, thuế XK mặt hàng dăm gỗ đã được điều chỉnh từ 0% lên 2% đã làm cho nhóm hàng này giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng, đặc biệt từ các đối tác ở Trung Quốc. Trong khi đó mặt hàng bàn ghế ngoài trời chủ yếu XK sang thị trường EU cũng sụt giảm và không còn được nhiều thuận lợi như những năm trước.

Công nhân chế biến sản phẩm gỗ tại Công ty cổ phần Chế biến gỗ nội thất PISICO, Khu công nghiệp Phú Tài, tỉnh Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Trước tác động của việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, hàng năm các doanh nghiệp trong nước XK sang thị trường Anh khoảng 100 triệu USD đồ gỗ. Với việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, giá XK sang EU cũng sẽ bị giảm khoảng 5 - 10% so với hiện nay do đồng bảng Anh và đồng Euro giảm. “Hiện EU là thị trường lớn thứ tư của Việt Nam trong tiêu thụ các mặt hàng gỗ. Còn về đồ gỗ, EU là thị trường quan trọng thứ 2 của Việt Nam bao gồm những mặt hàng đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, đồ nội thất văn phòng...", ông Quyền cho biết thêm.

Theo các chuyên gia kinh tế, để được hưởng ưu đãi thuế suất từ TPP, các sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo hai tiêu chí chính bao gồm 55% lượng gỗ nguyên liệu phải có xuất xứ từ trong khối TPP và sản phẩm gỗ phải đảm bảo tính hợp pháp từ đất đai, khai thác gỗ, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu, tài chính, an sinh xã hội (lao động). Hiện cả hai tiêu chí trên, đặc biệt là tiêu chí thứ hai các doanh nghiệp XK trong nước rất khó đảm bảo.

"Ở Việt Nam chưa có nhiều diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Trong khi đó, thực tế các doanh nghiệp chế biến đồ gỗ của ta hầu hết nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các nước Đông Nam Á đều rất khó khăn trong việc chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp. Nhiều thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ như Mỹ... rất khắt khe trong việc phải chứng minh được tính hợp pháp, xuất xứ của gỗ. Đây sẽ là rào cản lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành", ông Quyền cho biết.

Liên kết tạo nguồn gỗ hợp pháp

Viện Chính sách và Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, định hướng trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong nước cần chuyển dịch, tăng nhập khẩu gỗ từ Australia, New Zealand, đồng thời hạn chế nhập khẩu từ Lào, Myanmar... đảm bảo yêu cầu gỗ hợp pháp về nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, để chuẩn bị nguồn gỗ nhập khẩu có xuất xứ hợp pháp, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đang phối hợp với các thương vụ lấy danh sách các nước XK gỗ có đủ chứng chỉ FSC đầy đủ, hợp pháp để nhập gỗ. Song song đó, ngành nông nghiệp cũng cần xây dựng chương trình liên kết các doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng để trồng và khai thác gỗ hợp pháp.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, TGĐ Công ty cổ phần Thủ công mỹ nghệ Gỗ Liên Minh cảnh báo các doanh nghiệp chế biến gỗ không được chủ quan với hội nhập. Ngành gỗ Việt Nam đang chiếm ưu thế lớn, đặc biệt khi giành nhiều đơn hàng từ phía Trung Quốc, nhưng hội nhập mở rộng hơn thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tràn sang Việt Nam. Khi đó các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối diện với mối nguy lớn nếu không nhanh chóng hoàn thiện, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Dù có tốc độ phát triển ấn tượng nhưng đến nay công nghệ chế biến gỗ của Việt Nam chỉ ở mức trung bình, trong khi các nước đang tiến rất nhanh. Các doanh nghiệp trong ngành cho rằng rút ngắn khoảng cách này phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, như ưu đãi thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, cũng như Chính phủ sớm có chính sách đặc thù, đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Cơ chế ưu tiên về đào tạo tay nghề, vốn cho sản xuất và công nghệ... Bên cạnh đó, cần có chiến lược bài bản trong việc lựa chọn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành chế biến gỗ nhằm tạo kết nối, trao đổi công nghệ và trình độ quản lý, từ đó tạo ra động lực cho cả ngành phát triển.

Thống kê sơ bộ từ Trung tâm Nghiên cứu các ngành công nghiệp cho thấy, hiện mức tiêu thụ đồ gỗ trên toàn thế giới đạt giá trị gần 4 tỷ USD. Kim ngạch XK của Việt Nam chiếm tỷ trọng không đáng kể so với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu và là cơ hội lớn của các doanh nghiệp đồ gỗ trong nước nếu biết nắm bắt thời cơ. Ngành công thương đang có các bước thúc đẩy xúc tiến thương mại, tạo nhiều cơ hội giao thương cho doanh nghiệp trong nước. Theo các chuyên gia trong ngành, vấn đề chính sách của Việt Nam hiện vẫn thiếu sự đồng bộ từ trồng rừng, chế biến, XK... Do đó, ngành gỗ cần có các chính sách mang tính kết nối, xâu chuỗi các khâu lại với nhau tạo thành chuỗi sản xuất mang tính thống nhất.
Lê Nghĩa
Nâng cao giá trị đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam
Nâng cao giá trị đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam

Cùng dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản, đồ gỗ là 1 trong 5 mặt hàng XK hàng đầu của nước ta. Năm 2010, giá trị kim ngạch XK sản phẩm gỗ đạt 3,4 tỉ USD, tăng 31% so với năm 2009. Theo Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam, năm 2011, XK gỗ có khả năng chạm mức 4 tỉ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN