Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 10 tỉnh, thành phố có nuôi cá tra tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; doanh nghiệp, Hiệp hội Cá tra Viêt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và các nhà khoa học đến từ các Viện, Trường.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2019, ngành hàng cá tra phấn đấu đạt sản lượng 1,51 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, sản xuất cá tra thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Việc phát triển cá tra đi vào chiều sâu để nâng hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững. Thị trường tiêu thụ được mở rộng; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo.
Các doanh nghiệp và chính quyền địa phương rà soát lại vùng nguyên liệu; quản lý chặt quy hoạch vùng nuôi cá tra; rà soát lại 20% diện tích nuôi cá tra tự phát (chưa liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm) nhằm vận động người nuôi vào chuỗi liên kết. Cách làm này giúp nông dân có đầu ra ổn định, doanh nghiệp kiểm soát được diện tích, sản lượng nuôi, chất lượng cá tra nguyên liệu để có chiến lược tìm kiếm thị trường tốt nhất.
Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định và bền vững trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các địa phương, doanh nghiệp, người nuôi cá tra cần tuân thủ quy định liên quan đến quản lý ngành cá tra, đặc biệt là việc kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Chất lượng con giống, chất lượng vật tư thủy sản và sản phẩm được kiểm soát tốt. Những công nghệ mới nhất cần được ứng dụng vào ngành hàng cá tra; trong đó, giống là khâu then chốt của chuỗi cá tra.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, Trần Anh Thư cho rằng, con giống chất lượng cao là yếu tố quyết định để ngành hàng cá tra phát triển bền vững. Giá thành nuôi cá tra ở ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện dao động khoảng 22.000 - 23.000 đồng/kg, trong khi giá bán từ 29.000 - 30.000 đồng/kg. Đây là mức lợi nhuận khá tốt, đảm bảo người nuôi, doanh nghiệp chế biến và nhà nhập khẩu cùng có lợi.
Theo ông Thư, trong tương lai, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần hình thành cụm sản suất cá tra khép kín từ khâu ươm cá giống, nuôi cá bột, cá thương phẩm và chế biến phi lê xuất khẩu.
“Làm được điều này sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm cá tra ở tất cả các khâu; dễ áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tập trung, giảm bớt chi phí, tăng lợi nhuận. Người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang sử dụng dễ dàng” ông Thư khẳng định.
Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt cho rằng, sau thời gian khủng hoảng, 2 năm nay cá tra phát triển mạnh, có thời điểm, giá xuất khẩu cá tra phi lê sang thị trường Mỹ lên tới 5,6 - 7 USD/kg. Với chiều hướng này, nhiều khả năng năm 2019, cá tra tiếp tục duy trì mức giá cao, có lợi cho người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu.
“Để ngành hàng cá tra phát triển bền vững thì trong tương lai không nên mở thêm các nhà máy chế biến cá tra. Các địa phương không mở rộng diện tích nuôi, kiểm soát tốt sản lượng, tránh hiện tượng “cung vượt cầu”. Doanh nghiệp chỉ cần tập trung nâng chất lượng sản phẩm; tìm kiếm và mở rộng thị trường, chú ý khôi phục thị trường truyền thống như EU, Nam Mỹ…”, ông Tới đề xuất.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, đã đến lúc cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm đối với sự phát triển của ngành hàng cá tra Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cần phải minh bạch thông tin về vùng nuôi, sản lượng, thị trường. Muốn vậy, các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng ngồi lại để tìm ra tiếng nói chung cho sự phát triển của cá tra.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng của ngành chức năng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp đưa ngành hàng cá tra tăng trưởng vượt bậc với tính liên kết tăng cao. Sản phẩm đa dạng với hơn 80 mặt hàng; trong đó, có sản phẩm giá trị cao. Các doanh nghiệp chủ động trong đầu tư con cá tra từ giống tốt, vùng nuôi tiêu chuẩn, đa dạng sản phẩm chế biến từ cá tra đến tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thả nuôi khoảng 5.400ha cá tra thương phẩm (tăng 3,25% so cùng kỳ); trong đó, diện tích nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP đạt khoảng 3.834ha; sản lượng thu hoạch hơn 1,42 triệu tấn (tăng 13,6%).
Năm 2018, giá cá tra thương phẩm dao động khoảng 29.000 đồng/kg, cao hơn bình quân năm 2017 là 4.000 đồng/kg. Riêng thời điểm tháng 10/2018, giá cá tra cao đỉnh điểm là 35.000 - 36.000 đồng/kg. Nhờ giá duy trì mức cao, đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt 2,26 tỷ đồng, con số ấn tượng.