Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, bởi hiện các nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn mà các nước nhập khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU đã đánh giá và công nhận.
"Tuy nhiên, mục tiêu là phải chế biến sâu và tăng cường chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng, đặc biệt, chế biến hết không để nguyên liệu dư thừa" - ông Luân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, giá cá tra hiện vẫn đang ở mức cao và ổn định, người nuôi có lãi, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu...
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho rằng, mục tiêu xuất khẩu cá tra đạt 2,3 - 2,4 tỷ USD là khả thi. Bởi theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc tuy ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế; trong đó có Việt Nam, nhưng lại tác động tích cực tới một số mặt hàng xuất khẩu. Do đó, năm 2019, cá tra là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất nhờ nhu cầu gia tăng tại Trung Quốc và các rào cản thương mại tại Mỹ.
Bên cạnh đó, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết và thực thi, thuế nhập khẩu cá tra vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm từ mức 5,5% về 0% trong 3 năm (với cá tra thô); từ mức 7% về 0% trong 7 năm (với cá tra chế biến). Điều này tạo cơ hội lớn để doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đẩy mạnh sản lượng và giá trị mặt hàng này.
Tuy nhiên ông Nam cũng cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức đối với xuất khẩu cá tra, gồm các chương trình tại khu vực châu Âu, Mỹ… về kiểm soát nhập khẩu. Khi vượt qua, đồng nghĩa với việc năng lực cạnh tranh của cá tra Việt Nam sẽ được cải thiện hơn.
Liên quan đến việc nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu, ông Trần Đình Luân cho biết, Tổng cục Thuỷ sản đang cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cá tra phi lê chất lượng cao; nghiên cứu, bổ sung thêm hàm lượng các chất dinh dưỡng, để chất lượng cá tra phi lê cao hơn; cải tiến quy trình công nghệ chế biến, để sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu chất lượng tốt hơn.
Đồng thời, đẩy mạnh các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, tận dụng sản phẩm còn lại của chế biến để sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng. Để làm được việc này, ngành thủy sản cần phải đầu tư khoa học - công nghệ, tận dụng tốt nhất nguồn nguyên liệu sẵn có, biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ cho con người, ngành y tế.
Năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt mức kỷ lục 2,26 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2017.