Chủ động xây dựng văn hóa an toànKhi hàng không Việt Nam phát triển với tốc độ tăng nhanh, thuộc top đầu thế giới, cũng là lúc yếu tố an toàn hàng không và các biện pháp phòng ngừa tất cả các sự cố, lỗi hoặc khiếm khuyết không chủ ý trong thiết kế, xây dựng, bảo dưỡng và vận hành máy bay được đề cao. Vì theo thống kê của Vietnam Airlines, 80% sự cố mất an toàn hàng không liên quan đến yếu tố con người.
Để kiểm soát được các sự cố trước khi có thể xảy ra, bất kỳ hãng hàng không nào, cả trong nước và quốc tế đều phải xây dựng văn hóa an toàn hàng không. Và Vietnam Airlines đã “dày công” xây dựng cả một văn hóa an toàn hàng không trong suốt 20 năm đồng hành với hành khách cho tới nay.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines khẳng định: Xây dựng văn hóa an toàn không thể là việc làm đạt được kết quả ngay, mà phải là một quá trình xây dựng kiên trì, mỗi ngày; kết hợp cùng một lúc nhiều biện pháp để có được sự thay đổi nhận thức, quan niệm và hành động của mỗi nhân viên trong ngành hàng không.
Siết chặt kiểm tra an ninh hàng không là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trước chuyến bay. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Theo số liệu mới công bố của Vietnam Airlines, hãng đã giảm mạnh số sự cố, vụ việc trên 10.000 chuyến bay từ 30,6 vụ việc năm 2015 xuống còn 11,6 vụ việc năm 2017. Cùng với số lượng thì mức độ nghiêm trọng của các vụ việc cũng trong xu thế giảm. Những thay đổi kể trên cho thấy, văn hóa an toàn của Vietnam Airlines đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đảm bảo mục tiêu xây dựng văn hóa an toàn tích cực vào năm 2020, tiên tiến vào năm 2025. |
Để xây dựng kiến thức về an toàn hàng không, mỗi năm Vietnam Airlines tổ chức hàng chục lớp đào tạo nội bộ. Trong 4 năm (2013 - 2017), đã có 1.820 thành viên của Vietnam Airlines được tiếp cận với những quy định và các hướng dẫn mới nhất của văn hóa an toàn hàng không như các quy định Tổ chức Hàng không dân dụng Thế giới (ICAO), hệ thống quản trị an toàn CAAV, chính sách phát triển văn hóa an toàn của Vietnam Airlines...
Theo đó, mô hình văn hóa báo cáo an toàn hàng không được Vietnam Airines xây dựng thành công với ngày càng nhiều các báo cáo an toàn bí mật, báo cáo an toàn tự nguyện, bên cạnh các báo cáo bắt buộc và định kỳ khác, điều này cho thấy tính chủ động dần được hình thành trong văn hóa báo cáo của các đơn vị khai thác bay, kỹ thuật hay khai thác mặt đất…
“Tất cả các yếu tố trên chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là xây dựng hệ thống dữ liệu an toàn để dự báo, xác định các nguy cơ, từ đó xử lý, phòng ngừa rủi ro kịp thời và đặt yếu tố an toàn bay lên hàng đầu trong định hướng phát triển hàng không, ” lãnh đạo Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Chỉ thị về đảm bảo an toàn hàng không
Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Chỉ thị số 119/CT-CHK về việc đảm bảo an toàn hàng không, nhằm chấn chỉnh việc bảo đảm an toàn hàng không ngay sau khi xảy ra một loạt sự cố hàng không thời gian qua, đặc biệt là vụ hạ cánh xuống đường cất hạ cánh chưa được đưa vào sử dụng của Vietnam Airlines hôm 29/4 tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh.
Theo đó, đối với Vietnam Airlines, Cục hàng không Việt Nam yêu cầu người lái (phi công) tăng cường công tác chuẩn bị trước chuyến bay đảm bảo có đầy đủ các thông tin cần thiết cho chuyến bay, nghiên cứu kỹ sơ đồ của sân bay hạ cánh; trong quá trình bay, khi điều kiện cho phép, phải liên lạc sớm với Đài kiểm soát không lưu của sân bay đến để lấy thông tin khí tượng, phương thức và đường hạ cánh để có đầy đủ thời gian chuẩn bị.
Yêu cầu người lái phải tăng cường phối hợp, kiểm tra chéo các thông tin quan trọng, đặc biệt như các huấn lệnh ATC, phương thức tiếp cận, thông tin đường cất hạ cánh, đường lăn được sử dụng trong quá trình bay. Nghiêm túc thực hiện đầy đủ hội ý tổ lái (briefing) về phương thức cất, hạ cánh và các phương thức đặc biệt khác; tăng cường tổ chức huấn luyện nhằm nâng cao năng lực nhận thức, đánh giá tình huống cho người lái.
Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các Đài kiểm soát không lưu, Cục hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị này tăng cường giám sát hoạt động của tàu bay trong giai đoạn tiếp cận, hạ cánh cho đến khi tàu bay thoát ly khỏi đường cất hạ cánh để có cảnh báo kịp thời ngăn ngừa các sự cố tương tự có thể xảy ra; Tăng cường sử dụng hiệu quả thiết bị đầu cuối hệ thống giám sát ADS-B, bổ sung trục tim đường cất hạ cánh kéo dài 7-8 NM trên màn hình giám sát để kịp thời phát hiện, cảnh báo cho tổ lái khi có sai lệch lớn so với trục đường cất hạ cánh…