Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ kiên quyết không thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng bởi chỉ có quyết tâm cao nhất mới đạt được kết quả cao nhất trong hoàn cảnh cụ thể.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2020 đạt từ 2,5 - 3%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 41 tỷ USD, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, toàn ngành phải nỗ lực vượt bậc, theo phương châm là hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của thời tiết bất thuận, đặc biệt khi cuối năm là mùa mưa bão. Do đó, các ngành phải lên kế hoạch thích ứng, ứng phó với sự vào cuộc của các cấp để hạn chế thấp nhất sự tổn thương từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là từ thiên tai.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực, ngành hàng phải tận dụng khai thác những thế mạnh từ dư địa để phát triển thị trường trong nước, tranh thủ thời cơ về nhu cầu thị trường cho xuất khẩu khi dịch COVID-19 được khống chế tốt. Điển hình là lúa gạo, trái cây, thủy sản… Thúc đẩy hơn nữa ngành chăn nuôi phát triển toàn diện, đồng thời tái đàn lợn khẩn trương, nhanh chóng nhưng phải an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu toàn ngành quyết tâm đồng bộ trong tái cơ cấu nông nghiệp với sự đồng hành cùng vào cuộc của Chính phủ, bộ, ngành; người dân; doanh nghiệp. Cùng với đó là tập hợp sức mạnh từ Trung ương đến địa phương để khắc phục tốt nhất nhất những tác động từ đại dịch COVID-19; dịch bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi để tập trung cho sự phát triển ngành.
Đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành đạt được kết quả rất đáng kích lệ, GDP toàn ngành tăng trưởng trên 1% trong bối cảnh ngành phải đối mặt với những thách thức lịch sử như: đại dịch COVID-19; thiên tai, dịch hại trên cây trồng và vật nuôi.
Bên cạnh đó, ngành còn hoàn thành chỉ tiêu căn bản về sản lượng lương thực để đảm bảo cho an ninh lương thực vững chắc trong hoàn cảnh như vậy. Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn có sản lượng tốt để đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước với gần 100 triệu dân và xuất khẩu gạo đạt sản lượng có lẽ cao nhất từ trước tới nay.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Ngành đã giành thắng lợi “kép” bước đầu. Đó là vừa giữ được cục diện bình ổn thị trường, tạo ra nguồn nông sản đảm bảo tiêu dùng trong nước, cơ cấu lại thị trường trong nước nhưng vẫn tận dụng được cơ hội từ những khe hẹp của thị trường thế giới để có giá trị xuất khẩu đạt trên 18,8 tỷ USD”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, mức độ gay gắt hơn, vượt mức lịch sử năm 2015 - 2016...; song với việc dự báo sớm, chủ động ứng phó, điều chỉnh thời vụ sớm, vận hành hệ thống thủy nông để ngăn mặn, giữ ngọt... nên lúa cho năng suất cao.
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước gieo cấy được 4,7 triệu ha lúa, sản lượng ước đạt 22,4 triệu tấn; đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gạo với khối lượng khoảng 3,5 triệu tấn (tăng 4,4%), giá xuất khẩu tăng gần 13%, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,7 tỷ USD (tăng 17,9%) so với cùng kỳ năm 2019.
Các loại rau màu, một số loại cây công nghiệp lâu năm như: cà phê, tiêu, điều, chè... đều có sản lượng tăng từ 2,5 - 15%. Các loại cây ăn quả chính như xoài, chuối, thanh long, cam, bưởi, vải… có sản lượng tăng từ 4 - 20%.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vụ Hè Thu đang phát triển tốt, năng suất cao. Vụ Thu Đông ở một số địa phương cũng đã bắt đầu gieo trồng. Với vụ Mùa ở Bắc Trung Bộ còn đối mặt với tình trạng hạn nghiêm trọng nên Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với Tổng cục Thủy lợi tiếp tục đánh giá nguồn nước, rà soát, điều chỉnh sản xuất sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, sản xuất các loại rau, cây quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng cần tăng cường xúc tiến thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Về chăn nuôi, trong sáu tháng đầu năm, chăn nuôi bò và gia cầm tiếptục tăng trưởng khá mạnh; trong đó đàn bò tăng 3,4%; gia cầm tăng 7,4%. Đàn lợn với tốc độ tăng đàn ở các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn nhanh, trong khi ở khu vực hộ chăn nuôi còn chậm. Tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 2,58 triệu tấn, giảm 2,56% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng thịt lợn ước đạt 1,64 triệu tấn, giảm 8,8%;
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, từ nay đến cuối năm, mục tiêu của chăn nuôi là sản xuất đủ nguồn cung, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước. Các loại vật nuôi tiếp tục tăng trưởng, đàn lợn sẽ đạt gần bằng năm 2018. Thời gian tới cần đặc biệt tăng đàn, tái đàn ở các nông hộ lớn, nông hộ chuyên nghiệp bằng cách cung cấp đủ giống, phổ cập chăn nuôi an toàn sinh học và gắn với chuỗi liên kết.
Thủy sản tuy có sản lượng sản xuất trong 6 tháng đầu năm tăng tốt, nhưng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này lại giảm; giảm sâu nhất là cá tra. Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, thời gian tới, ngành nỗ lực tối đa để đạt mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo sản lượng năm 2020 đạt 8,5 triệu tấn. Ngành sẽ bám sát tình hình thực tế, đặc biệt là thị trường để chỉ đạo trong sản xuất, nhất là đối với mặt hàng tôm, cá tra và cá ngừ.
Đặc biệt, để giải quyết vấn đề gỡ “thẻ vàng” IUU, Tổng cục Thủy sản sẽ chuẩn bị tốt nhất để đón đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sang bất kỳ lúc nào.
Về tình trạng xuất khẩu thủy sản giảm, điều này sẽ tác động làm giảm sức sản xuất của người dân, ông Trần Đình Luân đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tăng cường xúc tiến thương mại, tích cực có thông tin mới về thị trường để nông dân, doanh nghiệp sản xuất hiệu quả. Với những khó khăn trong xuất khẩu hiện nay và tình hình dịch COVID-19, ngành thủy sản phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD.
Trước tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, ngành tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản. Nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu nông sản.
Cùng với đó là các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài được tăng cường các nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn; phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển mạnh các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.